Cách đếm nhịp thở khi không có máy đo SpO2
Trong những ngày qua số F0 liên tục tăng, trong đó lứa tuổi trẻ nhỏ khi bắt đầu đến trường học trực tiếp mắc Covid-19 cũng tăng lên.
Theo hướng dẫn điều trị của ngành y tế, trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết trẻ nhỏ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị ở nhà là hoàn toàn phù hợp, điều này giúp tránh quá tải cho ngành y tế.
Tuy nhiên, việc điều trị ở nhà, thậm chí là trẻ không có triệu chứng thì phụ huynh không nên chủ quan. Dù tỷ lệ trẻ nhỏ gặp triệu chứng nặng không cao, nhưng phụ huynh, cán bộ y tế được phân công giám sát, hướng dẫn vẫn phải quan tâm để phát hiện kịp thời trẻ chuyển nặng.
"Theo đó, điều đầu tiên phải chú ý đến thân nhiệt của trẻ và điều thứ 2 cũng rất quan trọng đó chính là hệ hô hấp của trẻ", PGS Phượng tư vấn.
PGS Phượng cho biết, nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, cho uống hạ sốt theo hướng dẫn. Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ thì cần phải nhờ đến sự trợ giúp của cán bộ y tế có chuyên môn. Qua thăm khám, tư vấn cán bộ y tế sẽ quyết định có chuyển trẻ đến cơ sở y tế điều trị hay không.
Máy đo SpO2, ảnh minh họa.
Về vấn đề hô hấp, bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến các triệu chứng đường hô hấp của trẻ, đặc biệt là nhịp thở.
PGS Phượng lưu ý, đo chỉ SpO2 với trẻ nhỏ đôi khi rất khó hoặc không đo được, hơn nữa kỹ thuật không đúng cũng dễ dẫn tới sai lệch. Do vậy, việc đếm nhịp thở là rất quan trọng.
"Ví dụ như trẻ dưới 12 tuổi nếu nhịp thở của trẻ trên 30 lần/phút hoặc trẻ từ 2 đến dưới 12 tháng nhịp thở trên 60 lần/phút thì lúc đó cần phải nhờ đến sự can thiệp, tư vấn của bác sĩ", bác sĩ Phượng chia sẻ.
Việc đo nhịp thở cho trẻ các bố mẹ cũng phải hết sức lưu ý, tốt nhất là dùng tay để đo để có kết quả chính xác nhất. Vì đôi khi dùng máy móc, thiết bị nhưng không biết vận hành thì kết quả sẽ sai lệch.
"Để đo tốc độ và nhịp thở của trẻ, bố mẹ có thể đặt tay dưới vòm hoành lồng ngực (hõm ức) rồi đếm theo nhịp tay số lần ngực trẻ nhấp lên và hạ xuống trong vòng một phút. Hoặc cũng có thể nhìn vào hõm cổ của trẻ rồi đếm theo nhịp thở. Nếu nhịp thở ở ngoài phạm vi bình thường cho từng độ tuổi của trẻ, thì có thể trẻ đang có vấn đề về sức khỏe.
Trường hợp không biết đo, đếm nhịp thở của trẻ, phụ huynh có thể nhìn các biểu hiện khác như cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc không ngừng…thì đó chính là dấu hiệu cần phải đưa liê hệ cơ sở y tế ngay", PGS Hoàng Thị Phượng tư vấn.
Không xông lá hay tinh dầu cho trẻ
BS Đào Trường Giang, chuyên khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho rằng, ngoài vấn đề thân nhiệt, hô hấp thì cần phải cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tắm rửa sạch sẽ…
Bố mẹ không tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc trong quá trình mắc Covid-19, khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Giang cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh không cho trẻ trẻ xông lá, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh đồng thời có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những việc cha mẹ cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con bị nhiễm Covid-19:
- Tâm sự, trấn an con về dịch Covid-19.
- Giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch Covid-19. Trẻ có thể hiểu sai thông tin và có thể hoảng sợ.
- Hạn chế gia đình tiếp xúc và nói chuyện về tin tức, sự kiện về Covid-19 có thể gây hoang mang, sợ hãi.
- Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học. Lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.
- Hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.
- Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ…
Theo ttvn.vn