1. Có phải tất cả các bệnh nhân có bệnh nền tim mạch đều nên được tiêm vắc xin hay có tiêu chí loại trừ cụ thể nào không?
Những người có bệnh lý nền tim mạch có thể tăng nguy cơ tử vong vì COVID 19 vì tình trạng nhiễm trùng sẽ là gánh nặng cho hệ thống tim mạch (vốn đã có sẵn tổn thương). Sự tổn thương đến tim và hệ thống mạch máu thông qua nhiều cơ chế, trong đó có cơ chế viêm ảnh hưởng trực tiếp đến tim. Vì vậy, nếu đủ điều kiện, tất cả các bệnh nhân có bệnh nền tim mạch đều nên được tiêm vắc xin.
Những bệnh nhân có bệnh nền tim mạch gồm: tăng huyết áp, bệnh rung nhĩ, đau thắt ngực, bệnh lý cơ tim, bệnh lý suy tim, huyết khối động mạch phổi, bệnh động mạch ngoại vi, hoặc nhồi máu cơ tim
2. Ảnh hưởng của vắc xin COVID 19 lên những người có bệnh lý nền tim mạch như thế nào (trong trường hợp trong đợt bệnh cấp tính hoặc trong trường hợp đang được kiểm soát bằng thuốc)?
Trong những thử nghiệm của vắc xin COVID 19 có cả những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nhưng không có bất kì tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nào được ghi nhận trên nhóm những bệnh nhân này. Những tác dụng phụ thường gặp nhất ở những bệnh nhân này là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và ớn lạnh. Mệt mỏi và ớn lạnh là do hoạt động của hệ thống miễn dịch chống lại các thành phần kháng nguyên được đưa vào cơ thể, xin lưu ý điều này không có nghĩa là vắc xin gây ra nhiễm covid 19, chúng chỉ đang giúp cơ thể luyện tập với thành phần của virus. Trong lần tiêm tiếp theo, hệ miễn dịch có thể phản ứng theo cách mạnh hơn và người được tiêm có bệnh nền tim mạch nặng cóthể xuất hiện khó thở nhẹ, sốt cũng như các triệu chứng giống cảm cúm. Những triệu chứng này thông thường sẽ tồn tại chỉ trong khoảng thời gian ngắn (24 đến 48 giờ) và không trầm trọng.
Theo Quyết định 2995/ QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID 19, những bệnh nhân đang trong đợt tiến triển của đợt bệnh mạn tính (trong đó có nhóm bệnh nền tim mạch) là những đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng.
Phản ứng dị ứng cũng là một trong những điều cần lưu ý ở nhóm bệnh nhân có bệnh nền tim mạch. Tuy nhiên, những phản ứng dị ứng là vô cùng hiếm gặp, ước tính chỉ khoảng một vài người trên 1 triệu mũi tiêm. Lợi ích đạt được sau khi tiêm vắc xin lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị phản ứng hay dị ứng và những nguy cơ này không thể là lý do cản trở việc tiêm vắc xin.
3. Liệu có tương tác nào giữa vắc xin và các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch?
Hiện không có bằng chứng nào về tương tác giữa vắc xin và các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch. Vì vậy điều quan trọng cần nhớ là không nên bỏ qua thuố
c điều trị tim mạch nào trước, trong và sau khi tiêm vắc xin. Một vài bệnh nhân sử dụng thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông cầm máu có thể xuất hiện sưng nề, bầm tím thậm chí xuất huyết nhiều hơn xung quanh vị trí tiêm truyền.
4. Tôi đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông máu? Tôi phải làm gì để giảm nguy cơ chảy máu tại vị trí tiêm khi tiêm vắc xin COVID 19?
Nhiều bệnh nhân đang sử dụng những thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông máu như warfarin (thuốc kháng vitamin K) hoặc thuốc chống đông đường uống (DOACS), hoặc phối hợp thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel. Những bệnh nhân này đều tăng nguy cơ chảy máu sau bất kì chấn thương nào (bao gồm cả việc tiêm bắp sâu khi tiêm vắc xin COVID 19). Cần phải nhấn mạnh rằng nguy cơ bầm tím hoặc xuất huyết tại vị trí tiêm tăng nhẹ ở nhóm bệnh nhân này. Cân nhắc tiêm bằng kim kích thước bé (23 hoặc 25 gauge)vàấn mạnh lên vị trí tiêm (không chà xát) trong vòng vài phút. Bệnh nhân cũng cần nhận được thông tin có thể nguy cơ tạo thành cục máu tụ tại vị trí tiêm.
5. Tình trạng bệnh lý tim mạch có làm tôi tăng nguy cơ có các biến chứng nặng khi tiêm vắc xin không?
Hiện không có bằng chứng rằng bất kì tình trạng bệnh lý nền tim mạch nào làm tăng nguy cơ có các biến chứng nặng khi tiêm vắc xin. Nhưng trong bất kì trường hợp nào, bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạchnên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã từng có bất kì một tình trạng bệnh lýnghiêm trọng nào sau tiêm vắc xin khác (ví dụ như phản vệ) hoặc tình trạng dị ứng với bất kì loại thuốc nào, hoặc dị ứng hải sản, thức ăn. Những đối tượng này vẫn có thể được tiêm vắc xin (sau khi được cân nhắc bởi các bác sĩ) và đều phải được theo dõi sát trong và sau khi tiêm.