SKĐS - Mùa thu đến cũng là mùa quả hồng bắt đầu chín rộ. Với người vừa tiêm vaccine COVID-19 và bị sốt, loại trái cây giàu dinh dưỡng vốn rất tốt này có phù hợp?
Hồng trồng ở nước ta có hai loại là hồng vỏ đỏ và hồng vỏ vàng cam (hồng ngâm hay hồng vỏ giòn). Quả hồng rất giàu glucose, protein, fructose, vitamin và khoáng chất, chủ yếu là vitamin C, beta caroten, iot, canxi, photpho, sắt… Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2 và các hợp chất hữu cơ…
Không chỉ dùng ăn tươi hay để héo khô, làm mứt, quả hồng còn là vị thuốc tốt trong y học cổ truyền với công dụng nhuận phế, sinh tân dịch làm thuốc bổ, chữa suy nhược, háo khát, ho có đờm…
Những ai nên hạn chế ăn quả hồng?
Mặc dù quả hồng ăn rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng không phải ai cũng có thể ăn hoặc ăn nhiều hồng được. Nguyên nhân là quả hồng còn có chứa chất tanin gây ra vị chát và chất pectin. Chất này có nhiều trong vỏ và quả hồng xanh chưa chín kỹ.
Không ăn quả hồng khi đói. Ảnh: Elise Bauer
Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Khi ăn nhiều hồng, nhất là ăn khi đói, các chất này cộng với chất xơ trong quả hồng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn … Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.
Trong quả hồng chứa carbohydrate, chất này ảnh hưởng đến mức đường huyết nhanh hơn chất đạm và béo, sau khi ăn dễ bị hấp thụ khiến đường huyết tăng lên. Do đó không có lợi cho người bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, những người bị tiêu chảy, cảm lạnh, cơ thể suy nhược, mắc bệnh lý dạ dày… cũng không nên ăn hồng.
Như đã phân tích ở trên, quả hồng có nhiều dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể ăn và ăn nhiều được. Theo khuyến cáo, người bị
sốt sau tiêm vaccine COVID-19 chỉ nên ăn uống những thực phẩm đảm bảo an toàn, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hoá như: thịt, cá, trứng, rau xanh và trái cây tươi để duy trì thể trạng, thể chất bình thường và tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể.
Người bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19 nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt băm… hay uống sữa. Chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn một ít. Khi đã hết sốt có thể ăn uống như bình thường với các thức ăn giàu dinh dưỡng.
Trong
chế độ dinh dưỡng của người bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19 có ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây tươi. Tuy nhiên chỉ nên ăn các loại trái cây hay uống nước trái cây như: bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh, dâu, táo… Những loại trái cây này giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, A… và chất xơ giúp tiêu hóa tốt, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Do đó, những loại trái cây có thể gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn… như quả hồng thì người bị sốt hoặc sốt sau tiêm vaccine COVID-19 không nên ăn. Đặc biệt, với những có bệnh tiêu chảy, suy nhược, mắc bệnh lý dạ dày, đái tháo đường… khi tiêm vaccine COVID-19 mà bị sốt càng không nên ăn quả hồng.
Hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vaccine COVID-19
Bộ Y tế có Quyết định số 3588/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo đó, đối với người đi tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được theo dõi. Những người tiêm chủng vaccine COVID-19 cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine COVID-19.
Sau tiêm vaccine COVID-19, cần lưu ý theo dõi thân nhiệt. Nếu có biểu hiện sốt < 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Nếu sốt > 38,5 độ C cần sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.