Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý về kế hoạch tiêm vaccine COVID-19.
Cho đến nay lợi ích của tiêm vaccine COVID-19 là rõ ràng và không thể bàn cãi dù có thể gặp một số tác dụng. Một số ít trường hợp lâm sàng sau khi tiêm vaccine COVID-19 vào bệnh viện khám và được chẩn đoán là viêm cơ tim.
Tại Việt Nam, chúng ta có ít các dữ liệu ghi nhận về viêm cơ tim sau tiêm vaccine. Một phần do các triệu chứng viêm cơ tim thường nhẹ. Vậy phản ứng này có thực sự là đáng quan ngại hay không? Chúng ta có vì thế mà sợ hãi không đi tiêm vaccine COVID-19? Những bệnh nhân có bệnh tim mạch có dễ bị viêm cơ tim khi tiêm vaccine? Những triệu chứng gì mà chúng ta nghĩ đến viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine?
1. Ai dễ bị viêm cơ tim?
Các dữ liệu từ Hoa Kỳ ghi nhận 3/4 các trường hợp viêm cơ tim sau tiêm phòng vaccine COVID-19 là nam giới.
- Nam giới lứa tuổi từ 12-29: có 40,6 trên 1 triệu trường hợp viêm cơ tim sau tiêm mũi thứ 2 vaccine.
- Nữ giới tuổi từ 12-29 tuổi có 4,2 trên 1 triệu trường hợp.
- Những người trên 30 tuổi tỷ lệ này thấp hơn khi chỉ có 2,4 trên 1 triệu trường hợp tiêm mũi thứ 2 và nữ giới là 1 trên 1 triệu trường hợp.
Qua các dữ liệu cho thấy người càng trẻ và nam giới dễ bị viêm cơ tim nhiều hơn. Đây là một trong những lý do mà trên nhiều quốc gia, người ta vẫn chưa có các khuyến cáo hướng dẫn
tiêm vaccine cho trẻ em.
Nhưng các dữ liệu này cũng cho ta thấy, tỷ lệ mắc viêm cơ tim
là rất nhỏ so với lợi ích chúng ta thu được khi tiêm những vaccine này. Do đó, chúng tôi khuyến cáo là nếu không có các chống chỉ định như bạn đang ốm hay người mệt nhiều, tiền sử bị dị ứng nặng, thì chúng ta nên tiêm phòng vaccine COVID- 19.
Viêm cơ tim (ảnh minh hoạ)
2. Bệnh nhân tim mạch có dễ bị viêm cơ tim khi tiêm vaccine COVID- 19?
Nếu bệnh nhân có các tiền sử bệnh lý tim mạch như sau viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạch trên 6 tháng qua, bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim ổn định, rối loạn nhịp, bệnh van tim hậu thấp, bệnh Kawasaki, các bệnh tim bẩm sinh, hoặc những bệnh nhân đeo máy tạo nhịp tim, sau phẫu thuật tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch não đều nên được tiêm ngay vaccine mà không nên trì hoãn.
Không có bất cứ dữ liệu nào gợi ý rằng những bệnh nhân này là nhóm dễ bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine hơn các nhóm người bình thường.
Một số bệnh nhân có thể tiêm các loại vaccine mRNA nhưng nên khám bác sĩ để có thể quyết định là những bệnh nhân gần đây có viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm nội tâm mạch (trong vòng 6 tháng); những bệnh nhân đang trong giai đoạn tiến triển của thấp tim; những bệnh nhân tuổi từ 12-29 có bệnh cơ tim giãn; những bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh phức tạp; suy tim đang giai đoạn mất bù; bệnh nhân thay tim.
Những bệnh nhân này sau khi tiêm xong cũng nên đến khám ở các phòng khám tim mạch.
3. Khi nào nên khám bác sĩ sau khi tiêm vaccine?
Nếu sau khi tiêm vaccine, bạn thấy các triệu chứng như: Đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực; Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (nhịp tim không đều, bỏ nhịp, nhịp nhanh hoặc nhịp tim quá chậm); Ngất; Khó thở; Đau khi thở.
Các triệu chứng này thường xuất hiện sau tiêm vaccine từ 1 đến 5 ngày (trung bình là 2 ngày). Khi chúng ta có triệu chứng này nên đến khám bác sĩ tim mạch. Nếu bạn không có cảm giác và triệu chứng gì sau tiêm vaccine, bạn có thể có những hoạt động thường ngày mà không cần phải tránh gắng sức hay tránh tập thể dục.
4. Khi nghi bị viêm cơ tim do vaccine, nên làm những xét nghiệm gì?
Những người có triệu chứng kể trên trong 2 tuần đầu tiên khi tiêm nên đi khám bác sĩ. Thường các bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán bao gồm điện tim, Troponin, Xquang tim phổi, siêu âm tim, ProBNP và có thể một số xét nghiệm khác.
Nếu có bất thường về điện tâm đồ và Troponin, bạn sẽ thường được giữ lại tại bệnh viện để theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, nó cũng cần đánh giá thêm để chẩn đoán phân biệt với bệnh lý động mạch vành.
5. Tiên lượng của viêm cơ tim sau tiêm vaccine như thế nào?
Hầu hết những ca viêm cơ tim sau tiêm vaccine mRNA đều khá lành tính và thường sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, có một số rất nhỏ bệnh nhân có những triệu chứng dai dẳng kéo dài như block nhĩ thất, rối loạn nhịp, suy thất trái. Những bệnh nhân này nên được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ tim mạch.
Với viêm cơ tim không do tiêm vaccine có một số trường hợp có thể dẫn tới suy tim về sau. Tuy nhiên, những bệnh nhân viêm cơ tim sau tiêm vaccine nên được theo dõi trong ít nhất 12 tháng nếu đã được chẩn đoán xác định.
Nói chung viêm cơ tiêm sau tiêm vaccine rất hiếm gặp. Đa phần có tiên lượng tốt nên chúng ta không nên quan ngại khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
TS.BS. Phạm Như Hùng
Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam