Chả cá Lã Vọng là món ăn ngon đặc sản của người Hà Nội, cũng là một món ăn rất nổi tiếng của Việt Nam với khách nước ngoài. Nguyên liệu dùng để làm món chả cá là cá lăng (hoặc cá tầm) thịt tươi, ăn kèm với bún và rau. Cá được tẩm ướp rồi nướng trên than và chiên lại trong chảo thơm lừng. Một món ngon như vậy nhưng cách chế biến không hề khó, các mẹ hãy học công thức và cách làm để nấu cho bé và ông xã thưởng thức nhé.
Chả cá Lã Vọng có hai cách ăn phổ biến:
Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thì là vào. Khi rau chín tái thì gắp ra ăn với bún, rau thơm, đậu phộng rang và mắm tôm đã pha chế theo cách cho một ít bún vào bát, cho rau và một vài miếng chả cá lên trên, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Khi ăn mùi mắm tôm quyện với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang.
Cho chả cá, hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng. Cách ăn này làm vừa đủ ăn nếu không cá sẽ nguội, mất ngon.
Ngoài hai cách trên, một số người có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thì là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này rất nóng ngon nhưng hơi nhiều mỡ.
Những nguyên liệu làm món chả cá Lã Vọng:
– 1kg cá lăng (có thể dùng cá quả, cá tầm)
– 1 mớ thì là
– 10 cây hành củ
– 4 thìa mẻ, 1 thìa mắm tôm, 2 thìa đường, 1/4 thìa bột nghệ
– 40g riềng giã nhỏ
Cách làm món chả cá lã vọng:
Bước 1:
– Trước tiên, chúng ta cần lọc mẻ để lấy phần nước mịn đã này.
Bước 2:
– Sơ chế cá rồi dùng khăn thấm khô và cắt thành từng miếng vừa ăn. Chú ý giữ lại phần mỡ cá nhé!
Bước 3:
– Tẩm ướp cá với riềng và các loại gia vị đã chuẩn bị trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Bước 4:
– Trong lúc chờ đợi, các bạn sơ chế phần rau nhé: chẻ hành củ thành từng lát mỏng, để nguyên cọng thì là hoặc cắt khúc dài.
Bước 5:
– Nướng cá trên than hồng cho cháy xém 2 mặt.
Nếu trong lúc nướng, thấy cá bị khô thì các bạn quét một chút dầu ăn lên cho miếng cá mềm nhé!
Bước 6:
– Cho mỡ cá vào chảo, rán cho tan hết.
Bước 7:
– Đổ cá đã nướng vào chảo mỡ.
– Nhanh tay cho rau và hành vào đảo đều nhẹ nhàng là có thể ăn được rồi.
Chả cá Lã Vọng ngon nhất là ăn ở trên chảo các bạn nhé!
Miếng cá vàng ươm, thơm nức mũi ý!
Ăn kèm với chả cá Lã Vọng cần một chút lạc rang các bạn nhé! Lạc không cần giã vụn, cứ để nguyên hạt là được.
Với bún thì có thể dùng bún rối hoặc bún lá đều ngon cả nhé!
Và không thể thiếu một ít mắm tôm pha chanh đường đánh sủi bọt rồi!
Từng miếng cá ngậy béo, đậm vị ăn với bún ngon lắm!
Nếu rán lâu một tí thì miếng cá sẽ rắn lại đấy!
Mách nhỏ: để mắm tôm được ngon mà không tanh, trước khi ăn, các bạn hòa vào bát mắm một ít rượu trắng rồi đem hấp cách thủy 5 phút. Sau đó, lấy ra thêm đường – vắt chanh rồi đánh sủi bọt nhé!
Truyền thống và công thức bí truyền của món chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng là một trong những món ăn đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Chả cá phải ăn nóng. Từng miếng chả được rưới nước mỡ đang sôi, ăn kèm với bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm mắm tôm vô cùng hấp dẫn.
Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì – Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng.
Làm chả cá mất nhiều công đoạn lọc thịt và sơ chế. Cá được lọc hai bên sườn, thái bản, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu và nước mắm theo phương cách bí truyền. Cá ướp ít nhất 2 giờ đồng hồ rồi kẹp vào vỉ nướng. Chả phải được giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi đặt trên bếp than hoa trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc.
Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi, tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.
Chả cá được bắc trên bếp, mùi thơm sực nức khắp phòng. Bỏ ít hành và rau thì là vào chảo. Khi rau chín, gắp chả cá cùng rau ra bát, kèm thêm chút bún rối, chút mỡ, chút mắm tôm và đậu phộng rang. Chả cá vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng. Màu của bát chả cá đủ cả xanh của hành rau, vàng sậm của cá, nâu trắng của lạc, đỏ của ớt, tím của mắm tôm vừa ngon với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng. Ngoài cách trên, một số người có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thì là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này nóng, rất ngon, nhưng sẽ ngấy hơn.
Chả cá Lã Vọng trở thành món ăn nổi tiếng khắp xa gần từ lúc nào không hay. Tương truyền vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn (phố Lã Vọng ngày nay) có một gia đình họ Đoàn sinh sống. Họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn này, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng “Chả Cá” được gọi thành tên phố.
Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá – biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn.
Ngày nay đã có nhiều hàng chả cá được mở tại Hà Nội nhưng căn nhà trên phố Chả Cá vẫn là cửa hàng chả cá ngon bậc nhất và trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp gần xa về món ăn thơm ngon mang hương vị riêng của người Hà thành xa xưa.