Trước hết, nên hiểu lại câu nói: “Thương cho roi cho vọt”. Câu nói này thường gắn vào tư tưởng giáo dục thời Nho giáo thịnh hành, được hiểu là cần cho trẻ em sống có kỷ luật. Đến thăm một căn nhà của một nhà giáo thời phong kiến, tôi được nhìn tận mắt một chiếc roi mây bóng loáng.
Cái roi tượng trưng cho hình phạt, sự nghiêm khắc, sự tuân thủ kỷ luật để học hành nghiêm túc và sự hành xử theo chính đạo. Cái roi cũng thể hiện quyền uy của người thầy nhưng không đồng nghĩa thầy dùng cái roi đó vụt vào thân thể học sinh, và có khi là kèm vào đó nhưng lời chửi rủa nặng nề.
Nhiều phụ huynh vô tình “thương con” theo kiểu bạo lực con về cả thể xác và tinh thần. Bạo lực về thể xác đương nhiên dễ bị xã hội lên án, thậm chí bị xử tội theo quy định của luật pháp hiện hành. Còn bạo lực về tinh thần là điều ít ai để ý, cha mẹ - người gây bạo lực cho con cái - cũng không để ý. Hậu quả chỉ mỗi đứa trẻ bị bạo lực là gánh chịu, có khi để lại di chứng rất lâu dài về sau.
Thông thường, bạo lực tinh thần thể hiện khi bố/mẹ la mắng con cái khi chúng nghịch ngợm hoặc học hành yếu kém. Có học sinh do bị điểm 3 đã bị mẹ nó đánh chửi. Học sinh này dù chỉ mới 8 tuổi đã bỏ nhà đi lang thang nhiều ngày.
Bạo lực tinh thần đối với trẻ đôi khi là gián tiếp. Trẻ luôn căng thẳng, lo lắng nếu bố mẹ cãi nhau trước mặt nó. Một đứa bé tâm sự rằng, mỗi lần bố nó uống rượu say là nó vô cùng sợ hãi, vì khi đó bố sẽ gây sự với mẹ, la chửi và đuổi đánh mẹ.
Nhiều gia đình, cha mẹ do bị áp lực trong cuộc sống (căng thẳng về tiền bạc, việc làm…) đã trút bỏ căng thẳng lên con trẻ.
Các chuyên gia cho biết, trên khía cạnh phân tích não bộ, bạo lực tinh thần sẽ làm sang chấn não bộ, gây đứt gãy những liên kết tế bào thần kinh ở một vùng nào đó. Sự khiếm khuyết não bộ từ nhỏ sẽ theo đứa trẻ suốt đời, nhất là bé gái. Thời gian sau khi lớn lên, đứa trẻ có thể học hành bình thường, rồi lập gia đình bình thường nhưng đến một lúc nào đó, cùng với sự xuất hiện một khoảnh khắc bạo hành nào đó, sự đứt gãy nói tên sẽ xuất hiện, người này sẽ có hành vi bất thường, cãi nhau với chồng/vợ, bạo hành với con cái…
Người ta nhận thấy, trong các gia đình bất hòa, rất nhiều người có tuổi thơ từng bị bạo lực về tinh thần.
Trẻ em luôn cần được yêu thương, chăm sóc. Việc “dạy dỗ” con bằng đánh đập, la hét là phản khoa học và bị phản tác dụng. Trong thời đại, việc học hành ngày càng có áp lực cao, thời gian chơi bị rút ngắn lại, trẻ dễ bị căng thẳng. Việc cha mẹ không quan tâm con chu đáo đã là thiệt thòi cho chúng. Tệ hơn, nhiều bậc phụ huynh đã bạo hành tinh thần, thể xác đối với trẻ. Cha mẹ hãy là tấm gương sống mẫu mực cho trẻ, là người bạn lớn thực sự của trẻ, chăm sóc trẻ không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả ở khía cạnh tinh thần.