Việc dạy trẻ biết cảm thông cũng quan trọng như trí tuệ, sinh lý và sự phát triển. Rất nhiều đứa trẻ khi được một tuổi có thể cảm nhận được sự khó chịu hoặc tổn thương của người khác. Những đứa trẻ có tình cảm lành mạnh thì càng dễ hiểu cảm giác của người khác. Những đứa trẻ luôn sống trong môi trường yêu thương, mọi nhu cầu được đáp ứng, khi nhìn thấy người khác khó chịu thì chúng sẽ có phản ứng.
Trẻ từ hai đến tuổi rưỡi sẽ cầm đồ vật đưa cho đối phương hoặc dùng lời nói để an ủi như: nhìn thấy một em bé khóc đòi mẹ, trẻ sẽ đưa đồ chơi của mình cho em bé, hoặc nói “đừng khóc nữa, đừng khóc nữa”. Trẻ từ ba đến sáu tuổi khi nhìn thấy đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình hoặc người bạn mới trong lớp khóc, trẻ sẽ đến an ủi, giúp đỡ, dỗ em hoặc bạn chơi; có lúc nhìn thấy có người bắt nạt đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình, trẻ sẽ đứng ra bênh vực. Khi thấy những hành vi này của trẻ, cha mẹ nên động viên trẻ, và cần lưu ý là khen trẻ qua từng hành động cụ thể chứ không phải là khen ngợi một cách chung chung “Con thật giỏi”, chẳng hạn như: “Mẹ (bố) rất vui khi thấy bạn Minh khóc con đã đưa con chó bông của con cho bạn Minh chơi”.
Lòng cảm thông và sự sẻ chia trong cuộc sống và trong xã hội hiện nay rất cần, đặc biệt là đối với những trẻ em được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đầy đủ vật chất như hiện nay thì sự cảm thông càng quan trọng hơn. Nếu như trẻ có lòng cảm thông đối với những đứa trẻ tàn tật, những đứa trẻ không nơi nương tựa và những đứa trẻ không có điều kiện đi học, thì trẻ sẽ càng quý trọng những gì chúng có, trẻ sẽ chú ý đến nhu cầu của người khác và thường giúp đỡ họ trong khả năng của mình. Nếu mọi người trong xã hội cùng hiểu nhau như thế, cùng giúp đỡ nhau thì nhân loại sẽ là một đại gia đình thật đầm ấm và hạnh phúc
Trong quá trình sống chung với trẻ, sự phản ứng của cha mẹ đối với trẻ ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng lòng cảm thông của trẻ. Khi trẻ bị ngã, đầu đập xuống đất, cha mẹ cần vỗ về con: “Con ngã có đau không, để mẹ dùng đá chườm cho con nhé”... Cha mẹ nên dùng lời nói và hành động để thể hiện cảm giác và phản ứng trước tình huống xảy ra với trẻ, làm cho trẻ dần dần hiểu được cảm giác của người khác, từ đó nảy sinh lòng cảm thông.