Viêm tai giữa tiết dịch là bệnh tai mũi họng thường gặp phổ biến ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết lạnh khô vào những tháng mùa đông.
Viêm tai giữa tiết dịch là bệnh viêm mạn tính ở tai giữa. Bệnh nếu không được phát hiện điều trị đúng sẽ ảnh hưởng chức năng nghe của trẻ.
1. Nguyên nhân gây viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ
- Do rối loạn của chức năng vòi nhĩ (chức năng cân bằng áp suất tai giữa và áp suất không khí bên ngoài), khi bị viêm tai giữa thì sẽ làm tắc cửa vòi nhĩ dẫn đến áp suất âm trong tai giữa tăng lên, gây ra tình trạng tiết dịch.
- Do mũi họng bị viêm làm cho trẻ bị viêm tai giữa và có mủ.
- Mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sẽ gây tắc mũi dẫn đến tạo áp lực âm trong tai giữa khiến cho chất nhầy tích tụ ở vòm mũi họng
- Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi, xoang hoặc do các khối u khu trú ở vòm mũi họng…
Trẻ có biểu hiện nóng sốt hoặc triệu chứng đau đầu, ù tai
2. Nhận biết dấu hiệu bệnh
Ở những giai đoạn đầu thông thường sẽ không có dấu hiệu cụ thể khiến bố mẹ không nhận ra bệnh, một số bác sĩ cũng có thể bỏ sót trong chẩn đoán bệnh vì một vài trường hợp trẻ có biểu hiện đau đầu, ù tai nóng sốt.
Ở giai đoạn mới chớm thăm khám các bác sĩ nhận thấy màng nhĩ của trẻ là bình thường, tuy nhiên giai đoạn khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể có một số biểu hiện như:
- Triệu chứng điển hình chính của bệnh là nghe kém;
- Sau đó quan sát thấy bóng khí ở màng nhĩ hoặc có thể là mực nước ở hòm nhĩ;
- Màng nhĩ có dấu hiệu dày và đỏ;
- Sau đó màng nhĩ lõm vào trong, lõm thượng nhĩ;
- Quan sát có thể thấy dịch màu vàng nhạt hoặc màu trắng ở phía sau màng nhĩ.
Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ em thường rất âm thầm, vì thế khi thấy trẻ bị:
- Viêm nhiễm đường hô hấp gây chảy mũi;
- Nghẹt mũi kèm thính lực giảm;
- Giảm chú ý tập trung...
Bố mẹ cần đưa bé đi khám tai mũi họng để phát hiện bệnh ngay.
3. Biến chứng của viêm tai giữa tiết dịch
Nếu viêm tai giữa tiết dịch không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra các biến chứng như:
-Thính lực bị suy giảm, nguy hiểm hơn gây thủng màng nhĩ dẫn đến điếc ở trẻ. Đây là biến chứng rất nguy hiểm vì nó có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển các chức năng ngôn ngữ của trẻ (nghe, nói..) từ đó việc phát triển trí tuệ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Ở trẻ lớn hơn, nghe kém, suy giảm thính lực sẽ khiến trẻ nói to, có thể đau tai, ù tai và khó chịu ở tai.
- Ngoài ra bệnh có thể khiến trẻ bị sụp lõm tai giữa, xơ nhĩ, viêm tai giữa dính, điếc làm ảnh hưởng sự phát triển của các thông bào xương chũm
4. Điều trị bệnh viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ
Cần làm nội soi tai cho trẻ, nếu thấy bất thường chỉ định nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ cho bé để đánh giá tai giữa. Dựa vào kết quả bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng ứ dịch trong tai giữa của trẻ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ có thể điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc điều trị phối hợp. Các biện pháp điều trị viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ:
- Điều trị nội khoa bằng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, thuốc chống dị ứng và kháng histamin, thông mũi bằng thuốc làm co mạch, có thể kết hợp corticoid, áp dụng nghiệm pháp valsalva và thuốc trị làm tan đờm, thông vòi nhĩ....
- Phẫu thuật
Khi dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ chỉ định phẫu thuật cho trẻ. Các phương pháp phẫu thuật gồm: Trích rạch màng nhĩ kèm hay không kèm đặt ống thông nhĩ; Nạo VA; Điều trị các tắt nghẽn do u, nang khác hoặc là điều trị các tắc nghẽn do u, nang khác gây nên viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ,...Mục đích là lấy hết dịch tai giữa ở trẻ giúp cải thiện thính lực và ngăn ngừa tái phát
5. Phòng bệnh viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ
- Mùa đông đang đến, để phòng bệnh viêm tai giữa tiết dịch bố mẹ cần giữ ấm trẻ, nhất là khi trở trời gió rét; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng cho trẻ, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa.
- Nếu có các bệnh vùng tai mũi họng cần điều trị triệt để.
- Cần cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng;
- Đối với trẻ lớn không nên cho trẻ bơi quá nhiều, nếu bị viêm hô hấp trên thì càng phải hạn chế.
- Giữ không khí trong lành, không ô nhiễm và khói thuốc nơi ở của trẻ.
- Khi thấy trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho, sốt, tiêu chảy; hoặc thấy trẻ nghễnh ngãng, không chú ý, mất tập trung hoặc trẻ ù tai, đau nặng tai, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để phát hiện và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa.