Trong khuôn khổ Tuần lễ hợp tác giáo dục Trung Quốc - ASEAN 2022, sáng 23/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã tham dự Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc - ASEAN theo hình thức trực tuyến và có bài phát biểu tại đây.
Với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục”, phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tập trung vào hai vấn đề: Làm thế nào để công tác chuyển đổi số tiếp tục phát triển khi đại dịch đã qua đi và giảm thiểu những rủi ro của quá trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc - ASEAN theo hình thức trực tuyến
Theo Bộ trưởng, khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các giải pháp số mới trở thành hướng đi bắt buộc. Nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực phải tiến hành chuyển đổi số một cách cưỡng bức.
Trong giai đoạn bình thường mới, khi các trường học đã mở cửa trở lại, nhiều trường học đang có nguy cơ quay về giảng, dạy các phương thức truyền thống như trước đại dịch. Đây là hệ quả tất yếu nếu những nỗ lực trong đại dịch chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức liên lạc từ trực tiếp sang trực tuyến mà thiếu đi những điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng cũng như sự chuyển dịch trong tư duy sư phạm và quản lý.
Chia sẻ về những con số thống kê tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: Thống kê cho thấy trong số hơn 7 triệu học sinh tham gia học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội, Việt Nam có khoảng 70% học sinh chỉ sử dụng điện thoại di động của người giám hộ; hơn 1.5 triệu học sinh không được sử dụng bất cứ thiết bị số nào phục vụ mục đích học tập.
Những thiếu hụt về hạ tầng cơ sở vật chất không những gây ra hạn chế trong chất lượng dạy và học mà còn dẫn đến sự bất bình đẳng trong giáo dục. Quá trình thúc đẩy chuyển đổi số thay vì mang chúng ta đến gần nhau hơn thì nay lại có nguy cơ làm gia tăng những khoảng cách sẵn có.
“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho học sinh”. Mục tiêu của chương trình là có Internet đến tất cả các hộ gia đình, có máy tính cho tất cả học sinh thuộc các hộ nghèo. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã và đang tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sức ép sẵn có của đại dịch tạo ra cơ hội tốt thúc đẩy cho công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục cả bề rộng lẫn chiều sâu”, Bộ trưởng chia sẻ.
Để giảm thiểu những rủi ro của quá trình chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho rằng: Ở tầm vi mô, cần đảm bảo giáo viên và học sinh được tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng được kỹ năng làm việc, kỹ năng dạy và học trong môi trường công nghệ số.
Còn ở tầm vĩ mô, cần quan tâm đến mối liên hệ giữa sự phát triển của công nghệ và những tác động căn bản đến quá trình dạy và học, đến môi trường sư phạm. Điều này đòi hỏi cần có hiểu biết sâu rộng về mối quan hệ tương hỗ giữa công nghệ và con người.
“Chúng ta đang định hình các công nghệ mà chúng ta sử dụng nhưng các công nghệ đó cũng đang định hình chúng ta. Đồng thời chúng cũng định hình cả cách chúng ta sống trong môi trường công nghệ số. Do đó, các công nghệ mới cần được kiểm tra, đánh giá thường xuyên để hạn chế các tiêu cực phát sinh”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: Cốt lõi của những giải pháp trong chuyển đổi số gắn bó mật thiết với những vấn đề về cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Những giải pháp đó cũng gắn bó mật thiệt với việc tăng cường hợp tác nghiên cứu đã được đưa ra thảo luận trong hội nghị hôm nay.
Khẳng định, nếu có thể chọn một bài học sâu sắc nhất cần rút ra sau hơn 2 năm bùng phát đại dịch, đó sẽ là vai trò của tầm nhìn sẽ quyết định tương lai và khi nói về chuyển đổi số, cần phải quan tâm hơn tới những mục tiêu hướng đến chất lượng và tính bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ hy vọng, Hội nghị bàn tròn này sẽ có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến được chia sẻ, giúp mở rộng các mối quan hệ hợp tác, cùng nhau hướng tới thịnh vượng và phát triển, hướng tới một ngôi nhà chung hoà bình và thân ái.