Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với sang thương da, niêm mạc của người bệnh.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh thủy đậu ở trẻ là sốt và phát ban toàn thân. Tình trạng phát ban ngứa ở trẻ xuất hiện thành nhiều đợt với nhiều giai đoạn tiến triển khác nhau gồm nổi sẩn, mụn nước, mụn mủ và đóng mày.
Ngoài ra, phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị thủy đậu thông qua các triệu chứng khác như mệt mỏi, nhức đầu, sốt, chảy nước mũi, đau họng, da nổi đỏ ở vùng đầu, mắt. (1)
Bệnh thủy đậu tiềm ẩn nhiều biến chứng nào?
Theo chia sẻ của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh thủy đậu có xu hướng diễn ra nghiêm trọng và có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, người lớn, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch suy giảm.
Biến chứng thủy đậu ở trẻ em thường gặp là viêm da bội nhiễm, nốt thủy đậu sưng mủ để lại sẹo lõm trên da sau khi khỏi bệnh, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân. Trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, các nốt thủy đậu có thể bị hoại tử. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê,… thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. (2)
Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai (nhất là trong khoảng tuần 13-20 của thai kỳ), bệnh thủy đậu có thể gây sảy thai hoặc dị tật thai nhi (dị dạng sọ, hội chứng đầu nhỏ, đa dị tật ở tim, đục thủy tinh thể, chi ngắn,…). Ở những ngày cuối của thai kỳ, nếu thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh. Tỷ lệ tử vong ở những đứa trẻ này lên đến 30%.
Theo một thống kê của Cơ quan dịch vụ y tế Anh, biến chứng viêm não do thủy đậu có nguy cơ gây tử vong lên đến 5-20%. Trong trường hợp bệnh nhân may mắn được cứu sống, người bệnh phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng như bại não, nằm liệt giường,…
Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?
Phần lớn các trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu có thể được chữa khỏi thông qua việc chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà. Vậy trẻ bị thủy đậu cần kiêng gì? Dưới đây là một số thực phẩm phụ huynh nên hạn chế cho trẻ dùng vì chúng có thể làm tăng kích ứng trên cơ thể, gây cản trở quá trình hồi phục da, kéo dài thời gian bệnh, tăng nguy cơ hình thành sẹo, gây biến chứng:
- Thịt dê, thịt chó, thịt gia cầm, lươn: dễ gây kích ứng, ngứa ngáy, khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh: gây nóng trong người, nốt thủy đậu nổi nhiều hơn, tăng tiết nhờn trên da, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ viêm nhiễm, ngứa ngáy, viêm da, hình thành sẹo.
- Hải sản, thực phẩm tanh: dễ gây kích ứng da, các tổn thương trên da khó lành, hình thành thâm sẹo khó chữa.
- Thức ăn được làm từ nếp: khiến bọng mủ trên da trở nên tồi tệ hơn.
- Chế phẩm từ sữa: kích thích tiết nhờn trên da.
- Trái cây, hạt sấy khô, thức ăn mặn: tăng tình trạng mất nước, ngứa ngáy.
- Trái cây nóng và có tính axit mạnh: vải, xoài chín, mít, hồng,…
Bên cạnh việc kiêng cữ các loại thực phẩm ở trên, khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà, bố mẹ cũng nên lưu ý:
- Hạn chế đến những nơi đông người, cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà: Thủy đậu là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao khi không có biện pháp kiểm soát và phòng ngừa kịp thời. Vì vậy, trẻ mắc bệnh thủy đậu nên được cách ly tại nhà. Trong trường hợp bắt buộc đến những nơi đông người, trẻ cần chủ động thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang,…
- Kiêng gãi, chà xát, sờ hay tác động đến nốt thủy đậu: Sự xuất hiện của các nốt thủy đậu gây ra tình trạng ngứa nhưng bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ gãy hay tác động đến nốt thủy đậu. Bởi, khi những nốt mụn nước này vỡ ra và không được xử lý đúng cách, dịch tiết từ nốt thủy đậu lan ra những vùng da khác, gây nhiễm trùng, để lại sẹo tại nốt thủy đậu bị vỡ. Một số biện pháp bố mẹ có thể áp dụng nhằm ngăn chặn bé gãi, gây tổn thương da gồm: cắt ngắn và giữa sạch móng tay, đeo găng tay, thoa kem dưỡng da phù hợp, mặc quần áo bằng cotton mềm nhẹ, thấm hút tốt, thường xuyên thay ga giường, vệ sinh môi trường sống,…
- Không dùng chung đồ với trẻ mắc bệnh: Đồ cá nhân, quần áo, khăn mặt,…của trẻ mắc bệnh cần được giặt riêng, khử khuẩn và phơi nắng cẩn thận. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng bệnh lây lan cho người thân, bạn bè của trẻ.
- Không kiêng tắm: Nhiều phụ huynh có quan niệm kiêng nắng, kiêng gió nhưng điều này không có tác dụng điều trị thủy đậu ở trẻ mà còn khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ khó chịu, ngứa ngày và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Việc tắm bằng nước ấm, vệ sinh cơ thể hàng ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, giảm nhẹ tình trạng ngứa ngáy do thủy đậu gây ra.
Trẻ em bị thủy đậu nên ăn gì tốt cho sức khỏe?
Khi mắc bệnh, sức đề kháng và thể trạng sức khỏe của trẻ sẽ yếu hơn bình thường. Vì vậy, bên cạnh việc kiêng cữ, trẻ cần được ăn uống đủ chất. Vậy trẻ bị thủy đậu nên ăn gì? Dưới đây là một số dưỡng chất, thực phẩm bố mẹ nên cho trẻ dùng khi trẻ bị thủy đậu:
- Những thực phẩm chứa nhiều vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng, kháng viêm, kích thích sản sinh collagen, ngăn ngừa sẹo lõm: cam, chanh, bưởi, lê, kiwi,… Lưu ý, tránh cho trẻ ăn trái cây chua.
- Những món ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị thủy đậu: cháo đậu xanh thịt heo, cháo đậu đỏ ý dĩ, nước tam đậu cam thảo, nước rau sam,…
Bên cạnh đó, bố mẹ nên chú ý hạn chế cho trẻ các loại thực phẩm dễ gây kích ứng, khiến tình trạng thủy đậu ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn như: thịt gà, đồ chiên nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, hải sản, nếp, chế phẩm từ sữa, hạt/trái cây sấy khô,…
Mẹo chăm sóc trẻ bị thủy đậu an toàn
Ngoài các vấn đề được nhắc đến ở trên, phụ huynh có thể thực hiện thêm một số mẹo chăm sóc trẻ bị thủy đậu an toàn, tại nhà dưới đây nhằm giúp bệnh nhanh khỏi, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng:
- Giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống của trẻ sạch sẽ;
- Bổ sung vitamin và dưỡng chất đầy đủ;
- Cho trẻ dùng đồ dùng riêng;
- Dùng thuốc bôi và thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Dùng nghệ để trị thâm và ngừa sẹo cho trẻ;
- Uống đủ nước mỗi ngày;
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.
Cách phòng tránh bệnh thủy đậu
Tiêm phòng đủ các mũi vắc xin thủy đậu theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh này. Hiện nay, vắc xin thủy đậu có 3 loại, với liều lượng dùng khác nhau, gồm:
- Vắc xin Varivax (Mỹ): Sử dụng cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất 3 tháng, mũi thứ 2 nên được tiêm khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên, khoảng cách giữa 2 mũi là 1 tháng.
- Vắc xin Varicella (Hàn Quốc): Đối tượng và liều lượng sử dụng giống với vắc xin Varivax.
- Vắc xin Varilrix (Bỉ): Sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch. Khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất 1 tháng, không tiêm mũi 2 trước ít nhất 4 tuần trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hơn nữa, bố mẹ cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa thủy đậu cho trẻ như:
- Tránh tiếp xúc với người bệnh;
- Hạn chế đến những nơi có dịch bệnh bùng phát;
- Thông báo cho trường học và cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà khi trẻ mắc bệnh;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn;
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với trẻ khác;
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý;
- Dọn dẹp môi trường sống thông thoáng, gọn gàng.