Trong những ngày hè nắng nóng cao điểm đến 39- 40 độ C, những món ăn bài thuốc của y học cổ truyền có tác dụng giải nhiệt, sinh tân thường hay được sử dụng trong cộng đồng. Sau đây là một số món ăn, đồ uống của y học cổ truyền thường được sử dụng để giải nhiệt trong mùa hè.
Các loại đậu rất tốt cho sức khỏe.
Trà xanh
Đông y gọi là trà diệp, hồng trà, thanh trà... là món đồ uống truyền thống của người Việt. Trà xanh có thể dùng tươi, hoặc sấy khô để dùng dần. Theo Đông y, trà xanh có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, vào bốn kinh tâm, phế, tỳ, vị.
Tác dụng: Thanh nhiệt giáng hỏa, tiêu thực, gây hưng phấn trong khi lao động.
Uống trà xanh có tác dụng trừ nhiệt ở thượng tiêu để giải nhiệt, giảm bớt khát nước, làm tỉnh táo đầu óc. Hồng trà đã sao khô có tác dụng tiêu thực, giảm tích trệ, còn có tác dụng trị chứng tiêu chảy thuộc nhiệt tả, chứng kiết lỵ do thấp nhiệt.
Dừa
Bộ phận dùng là nước dừa và cùi dừa non từ trái dừa nước. Cùi dừa non chứa: protein toàn phần; lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin C. Cùi dừa già chứa protein toàn phần, lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B¬2, vitamin PP, vitamin C, acid béo. Nước dừa chứa protein, lipid, chất vô cơ, cacbonhydrat, Ca, P, Fe, nhiều acid amin và vitamin nhóm B.
Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Dùng cho các trường hợp say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn thổ mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Cách dùng: Dừa nước 1 trái lấy cả nước và cùi non, cho uống liền hoặc để lạnh, ngày 3 lần.
Sắn dây
Đông y gọi cát căn, sinh cát căn.
Bộ phận dùng là rễ, thường gọi là củ, củ to nhỏ khác nhau, vỏ bên ngoài có màu nâu tía, trong có màu trắng vàng nhạt, nhiều bột, ít xơ là loại tốt. Sắn dây có vị ngọt, tính bình, vào kinh vị và bàng quang.
Nước sắn dây.
Tác dụng: Giải biểu thanh nhiệt chỉ khát, trị chứng cảm mạo do nhiệt thử, đi lỵ ra máu do đại trường nhiệt, chứng sởi đậu mới phát bệnh nhân sốt cao.
Trẻ em, người lớn sốt cao lấy 30g sắn dây tươi, bóc bỏ vỏ, rửa sạch giã nhuyễn, lấy nước đun sôi để nguội hòa đều vớt bỏ bã, cho bệnh nhân uống ngày 2 lần. Hoặc lấy 15g bột sắn dây khô hòa với nước đun sôi để nguội, cho bệnh nhân uống để hạ sốt.
Giải nhiệt mùa hè có thể dùng 15g bột sắn dây khô pha nước uống hàng ngày.
Đậu xanh
Đông y gọi lục đậu, vỏ đậu xanh gọi lục đậu y, có vị ngọt, tính hàn, vào kinh vị, tâm, can, nấu nước uống có tác dụng thanh thử nhiệt, giải độc.
Cách dùng để giải nhiệt: Ngày dùng 100g đun với 2 lít nước cho nhừ chia đều uống 3-4 lần vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày. Nếu có điều kiện có thể cho thêm 50ml mật mía có tác dụng điều hòa bồi bổ tỳ vị.
Đậu đen
Theo y học cổ truyền, hạt đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt...
Nước đậu đen.
Theo y học hiện đại, đậu đen mang đến cho cơ thể chúng ta 10 loại axit amin cần thiết như lysine, methionine, tryptophane, đồng thời có rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trong 100g đậu đen có chứa 56mg canxi, 354mg photpho, 6mg sắt, 0,06mg caroten, 0,5mg vitamin B1, 0,21mg vitamin B2, 3mg vitamin C…
Cách dùng: Đậu đen 300g là hạt loại một, mẩy, đều hạt đem rang trên chảo. Khi đậu chín cho 2 lít nước vào nấu chừng 10 phút rồi để về chế độ ủ 30 phút, sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi đậu chín mềm.
Để nguội rồi lọc lấy nước, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sử dụng dần.
Hoặc có thể nấu nước đậu đen uống hàng ngày. Cố gắng uống không pha thêm đường như một loại nước giải khát, nước lọc hàng ngày sẽ giúp giải nhiệt mùa hè và duy trì làn da đẹp, tươi sáng, không mụn nhọt.
Một số món ăn chế biến từ củ, quả…
Canh củ sắn, đậu đỏ: Củ sắn 1 củ, lột vỏ, cắt nhỏ thành những hạt lựu. Đậu đỏ 50g. Cho đậu đỏ vào nồi nước xương, hầm mềm. Tiếp theo cho củ sắn. Nấu thêm 5 phút rồi cho thêm rau thơm, gia vị. Tránh những gia vị cay nóng như tỏi, tiêu, ớt...
Cháo vỏ dưa hấu, gạo tẻ: Vỏ dưa hấu 250g, gọt bỏ đi lớp vỏ màu xanh bên ngoài, cắt thành những hạt lựu. Gạo 50g. Cho gạo vào nồi nước, nấu cho đến khi gạo nở bung ra. Tiếp theo cho vỏ dưa hấu vào. Nấu thêm 5 phút nữa. Cho thêm bột nêm, hành ngò là có thể dùng được.
Chè đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen: Đậu xanh 20g, đậu đỏ 20g, đậu đen 20g. Nấu chè ăn. Nên cho ít đường, chè có vị ngọt thanh là được. Khi ăn, có thể cho thêm chút đá hoặc để ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút cho dễ ăn, không bị ngán.
Nấu cháo đậu đen và gạo lứt để giải nhiệt, cung cấp dinh dưỡng, giữ dáng, làm mịn da vào mùa hè: Sử dụng 150g đậu đen, 100g gạo lứt đem nấu nhừ, thêm chút muối biển cho vừa miệng. Ăn món ăn này vào những ngày nóng bức không muốn ăn cơm sẽ giúp cung cấp cho cơ thể nguồn dinh dưỡng để hoạt động hiệu quả vào mùa hè, lại giúp giải nhiệt, làm mịn da rất tốt.
Ngó sen: Ngó sen tươi 150g. Ép lấy nước uống. Tác dụng tốt trong trường hợp chảy máu cam, giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc.
Đậu ván trắng: Đậu ván trắng là món ăn bổ dưỡng, có vị ngọt mát, tính ôn, được nhiều người ưa chuộng. Đậu ván trắng còn là vị thuốc tốt, đặc biệt với chứng cảm sốt.
Đây là thực phẩm rất tốt cho những ngày hè, có tác dụng cầm tiêu chảy, thanh nhiệt, làm ấm tỳ vị, trừ thấp nhiệt và giải cơn khát.
Củ cải trắng: Củ cải trắng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để phục vụ sức khỏe. Củ cải trắng chứa nhiều nước, có tác dụng tốt trong giải nhiệt, đặc biệt là bệnh nhiệt miệng.
Mướp đắng: Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua, là một loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: canxi, kali, magie v.v…
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ giảm cân.
Mướp đắng có thể ăn sống, luộc, xào trứng, xào thịt. Ngoài ra, mướp đắng phơi khô có thể hãm nước uống hằng ngày.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ giảm cân. Mướp đắng có thể ăn sống, luộc, xào trứng, xào thịt. Ngoài ra, mướp đắng phơi khô có thể hãm nước uống hằng ngày.