1. Công dụng chữa bệnh của cây mía
Tác dụng làm thuốc của cây mía đã được ghi chép trong các sách thuốc cổ cách đây gần 2000 năm. Cam giá, thuốc từ cây mía có vị ngọt, tính lạnh, không độc, lợi về kinh Thủ thái âm Phế và Túc dương minh Vị. Mía có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo sinh tân, giáng khí.
Cây mía dùng chữa các chứng nhiệt làm tổn thương tân dịch, như tâm phiền miệng khát, ẩu thổ (nôn mửa), phản vị (ăn vào nôn ngược trở lại), phế táo khái thấu (phổi háo, ho), đại tiện táo kết, tiểu tiện bất lợi, tiêu hóa không thuận...
Nước mía gừng trừ nôn, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo.
2. Một số bài thuốc từ cây mía
Bài 1: Mầm mía 12g, củ gai 8g, ích mẫu 6g, củ ấu 4g, sa nhân 2g. Tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống, chia làm 2 lần trong ngày. Công dụng giữ an thai
Bài 2: Nước mía 200ml, nước cốt gừng 10ml, chia uống trong ngày. Dùng trong trường hợp có thai buồn nôn.
Bài 3: Lá mía 30g, lá huyết dụ 30g, rễ mò trắng 80g, hoa mò đỏ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Chữa bệnh khí hư ở phụ nữ.
Bài 4: Nước mía 250ml, nước ngó sen 250ml, nước sinh địa tươi 50ml. Trộn đều, chia uống trong ngày. Dùng trong trường hợp chảy máu cam trong kỳ kinh nguyệt.
Bài 5: Nước mía, nước gừng, pha theo tỷ lệ 7/1; chia ra uống dần từng ít một trong ngày. Dùng trong trường hợp ăn vào thì nôn ngược ra ngay hoặc sáng ăn chiều nôn, tối ăn sáng nôn, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo.
Bài 6: Nước mía 200ml, gạo tẻ 100g, thêm nước vừa đủ nấu thành cháo, ăn trong ngày, ăn liền trong 7-10 ngày. Dùng cho người nóng trong, chữa ho do nhiệt.
Bài 7: Nước mía 50ml, mật ong 30g, trộn đều, chia uống 2 lần trong ngày, uống lúc đói bụng. Dùng trong điều trị chứng vị nhiệt, miệng đắng, kém ăn, đại tiện táo.
Ngó sen kết hợp với nước mía chữa tiểu buốt.
Bài 8: Nước mía 100ml, hâm nóng lên uống, ngày 3 lần. Chữa khô miệng, nôn khan liên tục.
Bài 9: Mía tươi 500g, ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước mía nhiều giờ, chắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày. Dùng trong trường hợp tiểu tiện bất lợi, tiểu buốt, tiểu ra máu.
Bài 10: Nước mía, nước dưa hấu, mỗi thứ khoảng 120ml, trộn đều uống. Dùng trong trường hợp cảm nắng, sốt, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ.
Bài 11: Mía vỏ đỏ (bỏ vỏ và đốt) 40-60g, củ mã thầy (gọt bỏ vỏ) 40-60g, sắc lấy nước, chia uống trong ngày. Chữa ho khi lên sởi.
Bài 12: Lõi trắng ở ngọn cây mía, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp vào nơi tổn thương, băng cố định lại. Chữa chín mé.
Bài 13: Lõi trắng ở ngọn cây mía 100g, bèo cái tía 100g. 2 thứ cùng giã nát; thêm 200ml nước đồng tiện vào đun sôi, để nguội. Chữa gót chân bị nứt nẻ, ngâm chân vào.
Bài 14: Cạo phấn trắng ở thân cây mía rắc vào nơi tổn thương, giúp cầm máu.