Không tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân kém là nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa đông xuân dễ dàng bùng phát
“Mùa” bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất thường gặp vào mùa đông xuân. Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc sởi thường tăng cao trong các tháng 11-12 và tháng 1-3 hằng năm.
Đưa trẻ đi tiêm chủng trong Tiêm chủng thường xuyên
Theo khuyến cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh sởi dễ gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Các bác sĩ cho biết, sởi có thể gây các biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và có thể gặp viêm não sau sởi.
Vi rút gây sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Vi rút lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh sởi rất dễ lây, có tới 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa.
Bệnh thường bắt đầu sốt nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau nổi lên những nốt nhỏ xíu mầu trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má (những nốt này có tên là đốm Koplik). Đây này là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39-40 độ C trước và trong quá trình nổi ban. Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Khi ban mọc, sốt sẽ giảm dần.
Sởi hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn ít mắc bệnh vì đã bị mắc từ bé, có miễn dịch bền vững. Vi rút Sởi có thể gây suy giảm miễn dịch tạm thời nên bệnh nhân dễ mắc bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh sởi có tỷ lệ tử vong cao: 0,02% ở các nước tiên tiến; 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, nhờ có vắc xin sởi được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sởi đã giảm nhiều. Đây là bệnh nằm trong “Chương trình Tiêm chủng mở rộng” ở nước ta.
Lịch tiêm phòng sởi:
Mũi 1: vắc xin Sởi đơn, tiêm lúc trẻ 9 tháng tuổi
Mũi2: vắc xin phối hợp Sởi-Rubella tiêm lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Vắc xin Sởi và Sởi-Rubella được tiêm miễn phí tại các điểm tiêm chủng thường xuyên tại Trạm y tế xã, phường nơi trẻ và gia đình cư trú, không phụ thuộc đăng ký hộ khẩu. Các bà mẹ cần giữ sổ tiêm chủng đầy đủ để nhân viên y tế có thể tư vấn tiêm chủng đúng lịch, chính xác. |
Các bệnh truyền nhiễm khác
Không chỉ bệnh sởi, theo Bệnh viện nhiệt đới trung ương, bệnh nhân đến khám, điều trị biến chứng do quai bị, thủy đậu, rubella… thường tăng mạnh vào mùa đông xuân. Ngoài vắc xin phòng bệnh rubella đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ ở thời điểm 18 tháng tuổi dưới dạng vắc xin phối hợp sởi-rubella, các bệnh còn lại mới chỉ có vắc xin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phải trả tiền. Như vậy cũng có nghĩa sẽ có nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh trong cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Các bà mẹ cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh cho con mình theo đúng lịch. Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu của mùa đông xuân, cha mẹ cần chú ý đến tình trạng vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho con mình.