Hẳn cha mẹ nào cũng thấp thoáng thấy câu chuyện nhà mình trong tình huống này: Nhóc tì nhà bạn như thể người đa nhân cách! Ở trường, con dọn dẹp đồ chơi, tự đi giày và việc vệ sinh cũng chẳng cần nhờ ai hết. Vậy mà về nhà, con trì hoãn bất cứ khi nào bạn yêu cầu con dọn đồ chơi. Con khăng khăng đòi bạn phải đưa con vào nhà vệ sinh. Và đến bữa tối, bạn hì hụi đút cơm cho con. Có vẻ như cô giáo của con biết được bí quyết nào đó mà bạn không hề biết!
Trong khi trẻ 3-4 tuổi vẫn cần nhiều trợ giúp từ cha mẹ, các chuyên gia về trẻ mầm non tin rằng, trẻ đã có thể tự làm nhiều việc hơn so với hình dung của phụ huynh. Và đây là cách bạn có thể khích lệ sự tự lập ở con:
Kỳ vọng nhiều hơn
Phần lớn mọi người đều có cách để sống vượt lên cao hơn (hoặc thấp hơn) so với kỳ vọng ở mình. Và trẻ mầm non không phải ngoại lệ. Jennifer Zebooker, cô giáo ở trường mầm non tại New York, cho biết: “Tại trường, chúng tôi kỳ vọng trẻ tự rót nước vào cốc trong giờ ăn nhẹ, dọn đĩa sau khi ăn, treo áo khoác lên giá và bọn trẻ đã làm được như vậy. Nhưng sau đó, bọn trẻ rời khỏi lớp, miệng mút ngón tay và trèo ngay vào xe đẩy”. Nâng mức kỳ vọng của bạn lên và con có thể sẽ vươn mình để đáp ứng kỳ vọng đó.
Không làm hộ con những việc con có thể tự làm
Tự mình làm sẽ nhanh hơn và dễ hơn nhưng nó lại không giúp con bạn trở nên tự lập, biết lo cho bản thân. Bí quyết ở đây là: chạm vào niềm tự hào của bé. Cô giáo Donna Jones ở bang Oregon gợi ý: “Bất cứ khi nào tôi cố gắng để lũ trẻ mặc quần áo, ngồi trên ghế trong bữa ăn, vân vân…, tôi sẽ hỏi: ‘Con muốn cô giúp con hay con có thể tự làm?’. Những lời đó chẳng khác nào phép thuật. Bọn trẻ luôn muốn tự mình làm”.
Không làm lại những việc con đã làm xong
Nếu con bạn dọn giường, hãy cưỡng lại mong muốn làm phẳng lại chiếc chăn mà con vừa gấp. Nếu con có kiểu kết hợp quần áo hơi “dị”, hãy khen con có phong cách “lạ”. Nếu không phải là thực sự cần thiết, đừng sửa chữa, làm lại những gì trẻ đã hoàn thành – cô giáo Kathy Buss ở Pennsylvania nhấn mạnh.
Để con tự giải quyết những vấn đề đơn giản
Nếu bạn thấy con đang cố gắng xếp hình hay lấy sách từ giá, đừng vội chạy tới giúp con. Cô giáo Zebooker giải thích: “Với điều kiện trẻ được an toàn, đó là những tình huống mà bạn không nên vội vã can thiệp. Đó là khi bạn trao cho con cơ hội để tự giải quyết vấn đề. Những khoảnh khắc đo giúp xây dựng nhân cách cho bé. Mong muốn mọi thứ hoàn hảo là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nếu làm việc, chúng ta sẽ lấy đi của trẻ cơ hội tự lực thành công”.
Giao một việc nhà cho con
Để con chịu trách nhiệm một công việc đơn giản, thường ngày giúp xây dựng sự tự tin và hình thành năng lực cho bé. Theo cô giáo Buss, một đứa trẻ được tin cậy giao việc tưới cây hay cho quần áo vào máy giặt sẽ tin rằng, mình tự mặc được quần áo, tự chuẩn bị được món ngũ cốc ăn sáng. Chỉ cần đảm bảo rằng nhiệm vụ bạn giao là công việc thực chứ không phải những việc tầm phào chỉ để “có việc mà làm”. Bởi trẻ mầm non đã có thể phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Mục tiêu là giúp con cảm thấy mình có khả năng, có thể đóng góp vào cuộc sống chung của cả gia đình.
Ảnh: Kids Stuff World
Dạy con hợp tác
Bước vào bất cứ trường mẫu giáo nào, bạn sẽ được chứng kiến cảnh những đứa trẻ xếp hàng ngay ngắn, ngồi yên thành vòng tròn, giơ tay khi phát biểu… Câu hỏi được đặt ra là: Giáo viên mầm non đã làm thế nào vậy? Làm sao để trẻ dưới 4 tuổi biết hợp tác, một cách vui vẻ, tự nguyện? Và bí quyết nằm ở chỗ:
Khen ngợi đúng cách
Nhất là khi con bạn vốn không thuộc tuýp dễ dàng hợp tác. Cố gắng nắm bắt những mặt tốt của con. Trẻ sẽ lặp lại những hành vi giành được sự chú ý, khen ngợi từ bạn.
Hình thành những lịch trình có thể dự đoán được
Trẻ hợp tác ở trường bởi biết điều gì đang chờ mình phía trước – theo điều phối viên giáo dục tại trường mầm non ở Chicago, Beth Cohen-Dorfman. “Bọn trẻ về cơ bản tuân thủ lịch trình giống nhau mỗi ngày. Do đó, trẻ nhanh chóng biết được mình cần làm gì và sau một thời gian, không cần nhắc nhở nữa”. Trong khi việc duy trì tình trạng tương tự ở nhà là bất khả thi, bạn cần nhớ rằng: Bạn càng kiên trì thì trẻ càng tăng khả năng hợp tác.
Xác định một vài lịch trình và gắn bó với lịch trình ấy. Ví dụ: mọi người đều phải mặc xong quần áo trước khi ăn sáng. Khi đi từ ngoài vào nhà, trước hết phải rửa tay. Không đọc truyện trước khi đi ngủ nếu trẻ vẫn chưa lên giường. Cuối cùng, tuân thủ những “quy tắc gia đình này” sẽ trở thành thói quen của trẻ.
Khuấy động không khí
Nếu con từ chối làm gì đó, thử biến nó thành trò chơi. Cô giáo Zebooker bày tỏ: “Sự hài hước và những trò chơi là công cụ tuyệt vời mà đôi khi cha mẹ bỏ quên trong những tình huống nước sôi lửa bỏng”. Thời điểm con trai cô Zebooker (hiện 13 tuổi) học mẫu giáo, cô đã thuyết phục con tự đi giày vào buổi sáng bằng cách đặt ra trò chơi tiệm giày. “Tôi sẽ nói: ‘Chào mừng đến tiệm giày của Mẹ. Tôi có đôi giày tuyệt hảo cho bạn hôm nay đây’ bằng giọng ngộ nghĩnh khiến con rất thích”.
Cảnh báo về những chuyển đổi
Nếu con tỏ ra bực bội mỗi khi bạn thông báo đã đến lúc tắt tivi, dừng chơi hay ra về – có thể bạn chưa đưa ra đủ thông tin cần thiết. Cô Cohen-Dorfman cho biết: “Ở trường, chúng tôi để trẻ biết khi nào thời điểm chuyển đổi tới. Nhờ đó, trẻ có thời gian kết thúc bất cứ việc gì đang làm. Nếu bạn cần ra khỏi nhà lúc 7h30, hãy thông báo cho con lúc 7h15 rằng, con còn thêm 5 phút để chơi, sau đó phải dọn đồ chơi đi. Hẹn giờ để con biết khi nào hết thời gian”.
Sử dụng bảng hình dán (sticker) và phần thưởng một cách khôn ngoan
Cô giáo Buss lý giải: “Nếu con bạn thường xuyên làm chỉ để nhận thưởng, con sẽ không học được lý do thực sự khi làm việc”. Do đó, bạn hãy để dành phần thưởng cho những việc thực sự xứng đáng: như biết tự đi vệ sinh. Tuy nhiên, nên tránh thưởng cho con vì việc thường ngày – ví dụ tự mặc quần áo hay đánh răng.
Đưa ra các lựa chọn hợp lý cho con
Ví dụ, bé con 3 tuổi của bạn từ chối ngồi vào bàn ăn tối, bạn có thể cho con lựa chọn: Ngồi vào bàn ăn và được thưởng thức món bánh tránh miệng. Hoặc ngược lại. Cô giáo Buss chia sẻ: “Lúc đầu, con bạn có thể không lựa chọn đúng. Nhưng rốt cuộc con sẽ biết nên làm gì bởi con nhận thấy, lựa chọn sai không giúp con có được thứ mình muốn”. Chỉ cần nhớ rằng: nếu bạn muốn con chọn phương án A, hãy làm cho phương án B kém hấp dẫn hơn.
Không dùng “nếu… thì”
Hãy đưa ra những yêu cầu bằng ngôn ngữ đòi hỏi sự hợp tác của con. “Nếu con cất hộp màu, chúng ta sẽ đi chơi công viên” – nói như vậy, con có thể không dọn. Thay vào đó, hãy bảo con: “Khi nào con cất hộp màu, chúng ta sẽ đi chơi công viên”.
Ưu tiên việc chơi đùa
Giáo viên mầm non luôn nhắc đi nhắc lại rằng, trẻ em ngày nay thiếu khả năng chơi trò chơi tưởng tượng hơn trẻ em 10, 20 năm trước. Cô giáo Sandy Haines ở Connecticut chỉ ra rằng: “Quá nhiều thời gian trong ngày của trẻ là những hoạt động được tổ chức và được giám sát”. Nhiệm vụ của bạn không phải là đảm bảo con được giải trí 24/7. Hãy để con trải nghiệm sự buồn chán. Nhưng đảm bảo con có ở bên những vật dụng như quần áo búp bê, bút và giấy vẽ, thùng bìa các-tông, đất nặn…
Làm việc trên nền nhạc
Không phải vô cớ mà người ta sáng tạo ra những bài hát “dọn dẹp”. Cô giáo Haines gợi ý: “Hãy chọn một việc để làm trên nền nhạc và đột nhiên, việc đó sẽ trở nên rất vui”. Nếu bạn không thấy thoải mái, có thể chọn “thi đua” theo bài hát. Ví dụ, bạn nói với con: “Con có thể mặc xong quần áo trước khi Raffi hát xong bài Yellow Submarine không?”.
Khích lệ làm việc nhóm
Nếu con bạn tranh giành đồ chơi với một trẻ khác, hãy hẹn giờ trong 5 phút. Cô giáo Buss khuyên, nói với con bạn rằng con sẽ chơi món đó cho tới khi nghe tiếng đồng hồ kêu. Sau đó, sẽ tới lượt bạn kia và cứ thế.
Để con tự giải quyết những xung đột nhỏ
Thay vì can thiệp để dàn xếp mâu thuẫn, hãy lùi lại và để trẻ tự xử lý. Bạn chỉ nên can thiệp khi trẻ bắt đầu đánh nhau. Không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên con để giải cứu hay trợ giúp.
Kỷ luật hiệu quả
Có vẻ như hiếm có cha mẹ nào lại không áp dụng kiểu phạt “time-out” – góc kỷ luật. Nhưng giáo viên mầm non họ lại không làm vậy. Và đây mới là những biện pháp kỷ luật ở trường:
Ngăn ngừa những cơn mè nheo của trẻ lúc phải chia tay cha/mẹ
Nếu con bạn căng thẳng khi không được ở gần cha mẹ, hãy cho con thứ gì đó để nhắc con nhớ về bạn. Để con mang theo bức ảnh bạn, cắt hình trái tim và để vào túi áo con. Có thứ gì đó để chạm vào khi cảm thấy lo lắng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bùng nổ của con.
Để con sửa chữa việc làm sai của mình
Nếu bạn thấy con tô màu lên tường, hãy để con giúp bạn lau sạch chỗ màu đó. Nếu con gạt đổ toà tháp một người bạn vừa xây xong, hãy đề nghị con xây lại.
Đừng trì hoãn kỷ luật
Nếu phải khiển trách con, hãy làm thế khi bạn nhận ra con đang hành xử sai. Cô giáo Buss cho biết: “Đôi khi, tôi nghe cha mẹ nói: ‘Đợi tới khi về nhà thì con sẽ biết tay…’. Nhưng trước khi về nhà, con bạn đã quên sự việc đó rồi”. Tương tự, hoãn chuyến đi công viên sáng Chủ nhật bởi cơn mè nheo của con vào thứ 5 chẳng giúp ích gì.