Bí quyết chăm sóc sức khỏe cho trẻ khi thời tiết giao mùa
Mỗi khi thay đổi thời tiết làm cho con người nếu không thích nghi sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ em khi sức đề kháng còn non yếu. Chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa là điều mà hầu hết các bậc phụ huynh rất lưu tâm, bởi sức đề kháng của trẻ nhỏ còn non yếu, và thời điểm giao mùa là lúc rất nhiều bệnh xuất hiện và xâm nhập dễ dàng vào cơ thể trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý một số điều sau đây để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ phòng các bệnh lúc giao mùa.
1. Tăng sức đề kháng cho trẻ
Đây là lưu ý số 1 để chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho trẻ, thì việc bổ sung các nguồn vitamin C, vitamin nhóm B... để tăng sức đề kháng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh sữa, bạn hãy tạo cho trẻ thói quen ăn nhiều rau quả, uống nước ép hoa quả tươi để bổ sung các vitamin quan trọng và nâng cao sức đề kháng.
2. Vệ sinh cho trẻ
Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ căn phòng và môi trường xung quanh bé thì việc vệ sinh cá nhân cho bé cũng cần hết sức lưu ý. Mẹ cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc. Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá.
Ngoài ra, các mẹ cần lưu ý móng tay móng chân trẻ phải được cắt ngắn sạch sẽ, hằng ngày phải thường xuyên rửa tay sạch cho trẻ bằng xà bông diệt khuẩn. Đối với những trẻ đã lớn, các mẹ cần tập cho trẻ có thói quen tốt như rửa tay sạch trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh... Các mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
3. Giữ ấm cho trẻ
Thời tiết giao mùa chuyển sang lạnh, trẻ rất dễ mắc các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản... Các mẹ cần lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo thân nhiệt. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý phần cổ, tay, chân.
4. Cho trẻ ngủ đủ giấc
Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ khi giao mùa, bạn cần chú ý phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
5. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật
Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm... không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn... Vì thế, nếu trong nhà nuôi chó, mèo, bạn cần hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với chúng. Mỗi lần sau khi trẻ chơi với thú trong nhà, cần rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà bông diệt khuẩn.
6. Tiêm phòng
Một lưu ý nữa là trẻ cần được tiêm phòng vacxin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng Quốc gia. Tiêm phòng giúp tăng cường thêm kháng thể cho bé phòng chống lại dịch bệnh.