Nguyên tắc 1: Tôn trọng trẻ
Tôn trọng trẻ là nguyên tắc hàng đầu, là những viên gạch đầu tiên mà cha mẹ cần hướng tới khi áp dụng phương pháp Montessori. Nhà sáng lập, tiến sĩ Maria Montessori cho rằng tất cả mọi trẻ em cần được đối xử tôn trọng và công bằng. Chính yếu tố này đã thể hiện khía cạnh đầy đủ trong phương pháp giáo dục của bà.
Cha mẹ, thầy cô sẽ tạo cơ hội để giúp trẻ suy nghĩ, tự thực hành và học hỏi cho chính bản thân mình. Thông qua việc tự do lựa chọn, các con có thể phát huy được những kỹ năng cần thiết và trở thành con người tự tin.
Nguyên tắc 2: Thời kỳ nhạy cảm
Trẻ em trải qua nhiều thời kỳ trong sự phát triển của mình, một khi trẻ đã sẵn sàng, chúng có thể học được các kỹ năng kiến thức cụ thể. Tiến sĩ Maria Montessori từng đề cập đến khoảng thời gian “nhạy cảm”, lúc này bé có những thay đổi hành vi và quan tâm mãnh liệt và lặp đi lặp lại một hành động nào đó.
Trong thời kỳ này, phương pháp Montessori sẽ áp dụng cách giảng dạy riêng biệt. Cụ thể mô hình sẽ tạo ra chu trình 3 giờ làm việc để trẻ có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các giáo cụ mà không bị gián đoạn. Điều này giúp các con được làm việc, học hỏi theo sở thích cá nhân và tiến bộ rất tốt. Đồng hành cùng con là cha mẹ, giáo viên sẽ quan sát trẻ để hướng dẫn trẻ học với giáo cụ phù hợp.
Nguyên tắc 3: Trí tuệ thẩm thấu
Theo nội dung của cách dạy này, trong 6 năm đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng. Đây được xem là giai đoạn phát triển "trí tuệ thẩm thấu", khi mà bé đã sẵn sàng hấp thu những kiến thức mới mẻ xung quanh.
Trong đó, từ 0-3 tuổi là giai đoạn tiềm thức, trẻ sẽ học cách nói chuyện, đi bộ và phát triển ý thức về bản thân qua những trải nghiệm. Tiếp đến là giai đoạn 3-6 tuổi là lúc bé phát triển tích cực về ý thức, các con yêu thích tham gia khám phá để phát triển trí thông minh và sự phối hợp, độc lập.
Theo nội dung của phương pháp này, trong 6 năm đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Nguyên tắc 4: Nhóm tuổi hỗn hợp
Các lớp học Montessori có thể bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau và trộn lẫn với nhau. Mô hình này sẽ khuyến khích những trẻ ở độ tuổi lớn hơn đóng vai trò lãnh đạo và trẻ nhỏ hơn sẽ học hỏi thông qua hành vi bắt chước. Ngoài ra, lớp học hỗn hợp cũng dạy trẻ cách để giao tiếp với nhau, xây dựng mối quan hệ xã hội.
Nguyên tắc 5: Môi trường chuẩn bị
Tiến sĩ Maria cho rằng, trẻ học tập tốt nhất là khi học trong môi trường chuẩn bị, nơi trẻ có quyền tự do và lựa chọn độc lập. Chính vì thế, phương pháp Montessori là giúp trẻ chuẩn bị môi trường, không gian lấy trẻ làm trung tâm.
Trong đó môi trường sẽ giúp trẻ được tự lập nhưng hoạt động trong khuôn khổ. Các yếu tố môi trường chuẩn bị bao gồm: Tự do, cấu trúc, vẻ đẹp, tính chất, trật tự và sự hội nhập của các khía cạnh xã hội, trí tuệ đối với sự phát triển của trẻ.
Nguyên tắc 6: Góc giảng dạy
Phương pháp Montessori chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực giảng dạy chính là Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Toán học, Ngôn ngữ và Văn hóa. Các chương trình tập trung nhấn mạnh vào học tập không có sự phân cấp hay xác định dựa trên độ tuổi. Bởi mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể độc lập, có khả năng tiếp nhận khác nhau.
Chính vì vậy, quá trình học tập theo phương pháp Montessori được xác định bởi tốc độ học tập riêng. Các con sẽ lĩnh hội một kỹ năng, một kiến thức trước khi đi đến những kiến thức kế tiếp.
Nguyên tắc 7: Giáo cụ Montessori
Giáo cụ Montessori là công cụ học tập trực quan được thiết kế để dạy trẻ thông qua trải nghiệm thực tế và thực hành. Không chỉ vậy, các giáo cụ này còn được thiết kế với vai trò kiểm soát lỗi và cho phép trẻ khám phá kết quả độc lập đối với người lớn. Chính vì thế nên trẻ được khuyến khích tổ chức suy nghĩ của mình. Ngoài ra, trẻ có thể tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Giáo cụ Montessori là công cụ học tập trực quan được thiết kế để dạy trẻ thông qua trải nghiệm thực tế. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Nguyên tắc 8: Vai trò của người đồng hành
Đối với phương pháp Montessori, nguyên tắc chính là học sinh mới là trung tâm, cha mẹ, giáo viên là người đồng hành. Qua đó, người đồng hành và hướng dẫn trẻ nên tập trung vào trẻ hơn là giáo án. Mặc dù các giáo viên cũng lập kế hoạch hàng ngày, nhưng cũng cần chú trọng đến sự thay đổi tâm trạng, hành vi, tiến bộ của trẻ điều chỉnh cho phù hợp.
Người đồng hành và hướng dẫn trẻ nên tập trung vào trẻ hơn là giáo án. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
So sánh Montessori và phương pháp giáo dục truyền thống
Phương pháp Montessori ra đời từ lâu nhưng đến nay vẫn là mô hình áp dụng phù hợp cho mọi thời đại, thậm chí là tiến bộ hơn so với những mô hình giáo dục sớm khác. Những điểm nổi bật của phương pháp này được thể hiện trong những khía cạnh đó.
Tiêu chí |
Phương pháp Montessori |
Phương pháp truyền thống |
Mô hình |
Cá nhân hóa theo hướng tích cực, thông qua những giáo cụ trực quan. |
Lớp học thụ động thông qua giáo án trên giấy. |
Hoạt động học |
Hoạt động thông qua trải nghiệm thực tế và lấy tự học để làm nền tảng phát triển. |
Trẻ được dạy trực tiếp, hạn chế sự tư duy làm việc của mỗi trẻ. |
Chương trình học |
Trẻ có thể tự do hoạt động theo sở thích cá nhân |
Chương trình học yêu cầu theo những chương trình giống nhau, hạn chế lĩnh vực giáo dục của trẻ. |
|
Trẻ được hoạt động tự do trong khuôn khổ, sẵn sàng thỏa mãn đáp ứng nhu cầu tối đa của trẻ. |
Trẻ bị kiểm soát theo những yêu cầu của giáo viên, hoạt động của giáo viên theo sự phân chia. |
|
Để trẻ có thể thực hiện theo nhịp độ cá nhân, giúp trẻ tập trung học tập mà không bị ngắt quãng. |
Mỗi môn học sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định và bị ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình của cả lớp. |
|
Giáo dục tích hợp cân bằng với hoạt động tự do, tinh thần xã hội với các hoạt động tương quan. |
Nền giáo dục phân tán, các môn học không có sự tương quan. Các môn học đặt nặng lý thuyết,môn học thể chất được xem là giải tỏa áp lực. |
|
Có sự tương tác mạnh mẽ giữa giáo viên và học sinh, đánh giá quá trình phát triển của trẻ chính xác. |
Các bài kiểm tra áp đặt lên trẻ, giảm sự tương tác của trẻ với giáo viên. |
|
Học tập đồng thời chú trọng phát triển nhiều kỹ năng của trẻ. |
Không tập trung đến phát triển các kỹ năng xã hội. |
Bên cạnh đó, Montessori còn khác biệt lớn nhất so với những phương pháp giáo dục khác đó chính là tôn trọng sự riêng biệt của mỗi trẻ. Từ đó, để trẻ phát huy tiềm năng của mình tốt nhất.