Bệnh cúm dễ lây lan qua đường hô hấp nên để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ chặt chẽ một số cách phòng tránh lây nhiễm cúm cho con.
Những ngày này, các trung tâm y tế, bệnh viện từ trung ương đến địa phương đều quá tải bệnh nhân nhi đến khám và nằm điều trị vì cúm. Dịch cúm A giai đoạn này năm nào cũng bùng phát nhưng năm nay có vẻ mạnh hơn nhiều.
Được biết, viện Nhi đang quá tải trong dịch cúm, trẻ nào cũng sốt cao xình xịch không hạ được. Khoa Cấp cứu dồn ứ nằm ghép, khoa Khám bệnh nườm nượp, khoa Truyền nhiễm có cả trăm bé cúm A có biến chứng. Các khoa Nhi ở bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội bệnh nhân nhi cũng phải nằm ghép giường vì cúm.
Một số thông tin quan trọng về bệnh cúm cha mẹ cần biết
– Biểu hiện ban đầu của bệnh cúm rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… nên nhiều cha mẹ chủ quan. Nhưng nếu thấy sau đó trẻ liên tục sốt cao, cần đưa trẻ đi xét nghiệm cúm ngay.
Liên tục trẻ nhập viện vì cúm (Ảnh minh họa).
– Thời gian ủ bệnh của virus cúm ngắn, thường từ 1-5 ngày, thông thường 2 ngày. Thời kỳ lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 5-7 ngày sau khi có dấu hiệu lâm sàng.
– Khả năng lây lan của virus cúm mạnh, nhất là ở những nơi đông người, nhà trẻ, trường học.
– Thuốc Tamiflu rất nhạy để trị cúm A, nó có hiệu quả tốt nhất trong 48 tiếng kể từ khi có dấu hiệu của cúm, nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi vì rất dễ kháng Tamiflu. Do vậy tuyệt đối không tự mua về điều trị. Cần khám và tuân thủ theo đơn của bác sĩ.
– Cả khi hết sốt, cần giữ cách ly để tránh lây bệnh cho người xung quanh, trẻ nhỏ nên nghỉ học thêm vài ngày.
Ngoài tiêm chủng, có 5 cách chống lây nhiễm cúm cho trẻ
Cúm là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều chủng loại virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Tổ chức Y tế thế giới WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, đây là biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, có nhiều chủng virus khác nhau gây ra bệnh cúm, phổ biến nhất là cúm A, cúm B nên cho dù đã tiêm phòng vắc xin cúm, trẻ vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm cúm. Trong trường hợp này, trẻ có thể bị mắc cúm nhưng triệu chứng nhẹ hơn, ít biến chứng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với trẻ chưa tiêm ngừa.
Virus cúm lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Chính vì thế khi con vui chơi ở nơi đông người, hoặc chỉ đơn giản là đón nhận yêu thương bằng một cái thơm má của người khác cũng khiến con mắc bệnh.
Theo bác sĩ Đỗ Tiến Sơn (công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương), ngoài tiêm phòng cúm, cả gia đình vui lòng áp dụng 5 phương pháp chống lây nhiễm cúm sau thật nghiêm khắc sau:
1. Không hôn, thơm má trẻ!
2. Tránh khói thuốc, bụi đường!
3. Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, chảy mũi, cảm cúm hoặc vừa hết các triệu chứng đó.
4. Tránh cho trẻ đến nơi đông người.
5. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho cả nhà!
“Khi con có biểu hiện chảy mũi, khụt khịt hoặc sốt hoặc ho, đi khám tại khoa Nhi viện tỉnh nhà hoặc phòng khám nhi gần nhà trước. Đừng kéo lên thẳng viện Nhi, quá đông dễ lây chéo!“,