Khi một đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, chúng sẽ không có kiên trì và chẳng bao giờ làm cái gì ra hồn vì đã bỏ cuộc sớm.
Có những người trẻ ra trường đi làm một năm 4-5 công ty khác nhau, thậm chí có những công ty chỉ làm chưa qua thời gian thử việc. Đôi khi họ ảo tưởng về năng lực bản thân, tự cho rằng công ty này nhỏ hơn năng lực của mình.
Hay sợ vất vả, cho rằng mình xứng đáng với công việc nhàn hạ hơn, vất vả chỉ dành cho những lao động phổ thông. Gặp việc khó là chóng nản, thấy đường xa là mỏi gối chùn chân ngay ở vạch xuất phát nên phí hoài tuổi trẻ với bản hồ sơ cá nhân dài thượt nhưng lại rỗng tuếch vì chẳng học được điều gì qua những công việc mình đã làm.
Thời đại số càng khiến nhiều đứa trẻ có cái nhìn lệch lạc bởi văn hoá tiêu thụ của Tiktok 30 giây, bởi thông tin tuyển dụng nào cũng lấp lánh "việc nhẹ lương cao". Chẳng có nhà tuyển dụng nào là không "make up" về công việc để thu hút nhân sự cả.
Người trẻ "nhảy việc" và nhảy từ thất vọng này sang thất vọng khác. Đều là vì thiếu kiên nhẫn, không có kiên trì nhưng lại không biết rằng mình đang như thế.
Kiên nhẫn là thứ nhiều người trẻ bị thiếu. Kiên trì thường bị coi là tụt hậu, ù lỳ. Kiên định hay bị nhầm lẫn với bảo thủ, cố chấp. Chỉ khi ta đủ trưởng thành ta mới thấy rằng, những người bạn đồng niên thành công vì họ kiên nhẫn hơn mình.
Những thành tựu chỉ đến khi ta đủ kiên trì theo đuổi. Và thứ làm nên giá trị không thể thay thế của ta chính là sự kiên định. Khi còn trẻ, chí khí phương cường, khát vọng cháy bỏng, ham hố và hăm hở bung nở mình là tốt thôi.
Nhưng nếu bạn dăm bữa nửa tháng lại nhảy việc, nếu bạn làm chưa đủ lâu để người ta đủ hiểu sâu về bạn (và bạn khám phá ra nhiều hơn nữa tiềm lực của mình qua quá trình vất vả vượt ngưỡng của mình) thì tuổi trẻ ngắn lắm.
Tôi thật lòng mong cha mẹ hãy nói với con mình những điều này. Về chính sự kiên nhẫn của mình và thành quả mình có được. Về chính sự kiên trì của mình và thành tựu của hôm nay. Về những vất vả hôm nay đã tạo ra những lấp lánh mai này ra sao, từ chính những kinh nghiệm của cha mẹ.
Đừng chờ con lớn rồi mới nói. Có thể từ những ngày con còn bé, bằng những bài tập về kiên nhẫn đi cùng tặng thưởng cho sự kiên nhẫn. Bằng cả những lời nói "không" của cha mẹ khi con không đủ kiên nhẫn, thiếu sự kiên trì.
Bằng giá trị của sự chờ đợi thay vì muốn gì được nấy. Bằng kiên nhẫn cùng con hơn, kiên nhẫn đợi con trưởng thành qua mỗi lần vấp ngã.
Tôi vẫn nói: Làm cha mẹ là công việc cả đời chứ không phải chỉ đến năm con 18 tuổi. Vậy nên cha mẹ ơi, hãy kiên nhẫn với con, hãy kiên trì theo con, hãy kiên định lòng tin vào con. Cách chúng ta kiên nhẫn, kiên trì, kiên định ấy chính là bài học tốt nhất mà con chúng ta sẽ trở thành người như chúng ta mong đợi!