“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là câu được nhiều người hay nhắc đến trong việc dạy con cái. Tuy nhiên, việc sử dụng những trận đòn roi hay những lời quát mắng chưa phhải là một cách dạy con hay và không hẳn đã đúng”, TS. Phạm Thị Thu Hoa, Giảng viên bộ môn Tâm lí học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn cho biết.
Hãy học cách thấu hiểu
Nhấn để phóng to ảnh
Thay vì quát mắng nặng lời, hãy thấu hiểu con bằng những cử chỉ yêu thương và lời nói nhẹ nhàng.
Sinh con ra nuôi con khôn lớn, bố mẹ nào cũng muốn con mình ngoan ngoãn nghe lời. Và điều đầu tiên khi muốn thực hiện cách dạy con ngoan chính là các bạn phải thấu hiểu được con mình. Bạn cần phải luôn lắng nghe con chia sẻ để có thể hiểu con. Sẽ không khó để con nghe lời bạn nếu bạn hiểu được tâm lí của con.
Chị Vũ Thị Hoan (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi đang có một cháu nhỏ 4 tuổi. Mỗi khi con tôi mắc lỗi thay vì quát mắng hay dùng những hình phạt khắt khe tôi thường đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng bình tĩnh lại. Và đây sẽ là cơ hội để tôi và bé hiểu nhau hơn. Sau đó, tôi mới chỉ ra nói cho con biết sai chỗ nào và giúp bé sửa lỗi. Tâm lí trẻ nhỏ cũng giống người lớn chúng ta thôi, khi bọn trẻ đang nóng giận sẽ không học được gì”.
Hãy là một tấm gương tốt cho con
Nhấn để phóng to ảnh
Bản thân những người làm cha làm mẹ hãy là một tấm gương cư xử đúng mực. Đây chính là một trong những cách dạy trẻ rất hiệu quả. Bởi trẻ em như một tờ giấy trắng, những gì chúng ta làm, chúng ta nói các bé đều quan sát và ghi nhớ trong đầu. Kể cả đối với những trẻ nhỏ mà bạn nghĩ rằng chúng chưa có ý thức chúng cũng có thể ghi nhớ rất nhiều thứ.
“Sẽ rất khó để con có thể học theo và nghe lời bố mẹ khi mà bố mẹ chỉ nói những câu lý thuyết suông và cư xử không đúng mực. Ví dụ đơn giản như việc nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay cãi nhau hoặc có những lời ăn tiếng nói không lịch sự thì chúng rất dễ học theo. Nên tôi rất chú ý đến từng cách hành xử của bản thân ngay từ những việc đơn giản nhất như nói lời cảm ơn hay xin lỗi để có thể là một tấm gương tốt cho con học theo”, chị Nguyễn Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự.
Hãy động viên, khen thưởng đúng lúc
Nhấn để phóng to ảnh
Thái độ, cách đối xử của người lớn với con cũng là nguyên nhân hình thành nên sự bướng bỉnh, khó bảo ở trẻ. Chính bởi vậy, muốn thay đổi một đứa trẻ cứng đầu, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt.
Bên cạnh đó, phần thưởng của bố mẹ khi bé cư xử ngoan ngoãn hay đã sửa được thói quen xấu chắc chắn sẽ tạo động lực để bé duy trì lối cư xử đúng đắn này. Phần thưởng ở đây không nên quá thiên về vật chất mà có thể chỉ là lời khen, một cử chỉ quan tâm hay khích lệ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chọn đúng thời điểm để khen ngợi bé, tốt nhất là ngay sau khi quan sát thấy biểu hiện tích cực của bé. Thông qua việc khen thưởng đúng lúc cũng chính là một cách tạo động lực cho con cư xử lễ phép mà không cần dùng những lời la mắng hay roi vọt.
Hãy trở thành một người bạn, gia tăng kết nối với con
Nhấn để phóng to ảnh
TS. Phạm Thị Thu Hoa cho biết: “Ở mỗi một giai đoạn lứa tuổi tâm sinh lí của trẻ sẽ khác nhau. Muốn dạy con ngoan bạn cũng cần phải biết cách và phương pháp dạy sao cho đúng. Một trong những cách tốt nhất để dạy con ngoan là bản thân bố mẹ hãy làm bạn với con, lắng nghe con tâm sự. Từ đó, bố mẹ và con cái có thể chia sẻ với nhau những câu chuyện một cách dễ dàng nhất. Hơn nữa, khi bạn trở thành một người bạn của trẻ, chúng sẽ dễ hợp tác hơn”. Những điều thủ thỉ, thầm kín chắc chắc trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn khi bạn đã trở thành một người bạn của con và thường xuyên trò chuyện cùng con.
Thay vì những lời la mắng hay những trận đòn roi, các bậc cha mẹ hãy biết động viên khen thưởng đúng lúc, làm bạn với con, dùng tình cảm lời nói để dạy con, dùng chính lối sống, đạo đức của mình làm tấm gương cho con. Khi đó, chắc chắn trẻ sẽ khắc tự biết vâng lời dù bạn không cần nặng lời một chút nào hết.