Nhu cầu vitamin D ở trẻ em
Nhu cầu vitamin D chính là khẩu phần vitamin D có thể đảm bảo cho cơ thể trẻ không bị thiếu vitamin D, thông qua việc xét nghiệm hàm lượng 25(OH)D trong máu. Trước đây người ta cho rằng nhu cầu vitamin D ở cả trẻ em và người lớn chỉ cần 200-400 IU/ngày, với ước tính là vitamin D của cơ thể còn được tổng hợp từ da. Tuy nhiên, gần đây ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, nhu cầu 400 IU/ngày không đủ để đảm bảo hàm lượng 25(OH)D trong máu luôn được giữ ở mức bình thường.
Theo Nhu cầu Dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu khuyến nghị về vitamin D (IU/ngày) cho trẻ em Việt Nam như sau:
NHU CẦU KHUYẾN NGHỊ VITAMIN D CHO TRẺ EM (IU/ngày) |
Nhóm tuổi |
Nam |
Nữ |
0-5 tháng |
400 |
400 |
6-11 tháng |
400 |
400 |
1-2 tuổi |
600 |
600 |
3-7 tuổi |
600 |
600 |
8-19 tuổi |
600 |
600 |
Nguyên nhân gây thiếu vitamin D ở trẻ
Theo TS.BS Phạm Thị Thu Hương, một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thiếu vitamin D ở trẻ có thể kể đến như:
- Trẻ không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời
- Trẻ sinh non, cơ thể không được khỏe mạnh như trẻ sinh thường nên quá trình hấp thu các dưỡng chất kém.
- Tác dụng của một số loại thuốc hỗ trợ điều trị gan, thận gây cản trở tác dụng hoặc quá trình hấp thụ của vitamin D.
- Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho cơ thể.
- Cơ thể kém hấp thu vitamin D do gặp các vấn đề về tiêu hóa và không hấp thụ được gluten có trong thực phẩm.
- Do màu da: Những em bé có da sẫm màu, da đen thì khả năng tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giảm so với người có da sáng màu.
- Trẻ em bị béo phì khiến lượng mỡ dư thừa trong cơ thể khá lớn, vì thế vitamin D sẽ bị tắc ở những mô mỡ này, gây ra hiện tượng thiếu vitamin D.
Trẻ thiếu vitamin D nguy hiểm như thế nào?
Việc thiếu hụt vitamin D khiến trẻ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm như:
Loãng xương: Canxi và vitamin D là các dưỡng chất cực kỳ quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Thiếu hụt vitamin D khiến cho lượng canxi cạn kiệt, làm suy yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh hen suyễn: Vitamin D giúp cải thiện bệnh hen suyễn bằng cách ngăn chặn các protein gây viêm trong phổi, cũng như gia tăng sản xuất một loại protein có tác dụng chống viêm. Thiếu vitamin D sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của phổi khiến bệnh hen suyễn ở trẻ trầm trọng hơn.
Bệnh tim mạch: Khi cơ thể trẻ thiếu vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như cao huyết áp, đồng thời tăng nguy cơ tử vong do bệnh này.
Dị ứng: Trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin D có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm.
Cúm: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Theo đó, những trẻ có nồng độ vitamin D trong máu thấp thường dễ bị mắc các bệnh như cảm lạnh và cúm hơn so với những trẻ khác.
Sức khỏe răng miệng: Vitamin D cần thiết để giúp cơ thể hấp thụ canxi và phospho – chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương. Vitamin D kiểm soát lượng canxi trong máu, ruột và xương. Do đó, thiếu vitamin D có thể khiến men răng của trẻ yếu hơn. Các báo cáo gần đây cũng cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và vitamin D, những trẻ có nồng độ vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những trẻ có nồng độ vitamin D cao.