Ngạt thở do sặc thức ăn hoặc hít phải dị vật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ. Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Vì sao bé dễ bị sặc?
Trẻ nhỏ rất dễ bị sặc thức ăn hoặc vật lạ. Đó là do các bé rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay. Bé chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục. Các bé lớn hơn một chút lại thích chạy nhảy cười đùa khi miệng đang ngậm thức ăn… Chỉ sơ sểnh một chút là sự cố có thể xảy ra.
Cách xử trí
Nếu thấy bé đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ và/hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức cần nghĩ tới khả năng bé bị sặc thức ăn hoặc vật lạ. Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn trẻ có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó là hôn mê và tử vong nếu không được xử trí đúng cách. Hãy cố gắng bình tĩnh, đánh giá tình hình để có cách xử lý thích hợp. Đáng nói là có khoảng 25 – 50% trẻ bị dị vật đường thở không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc không được chẩn đoán trong vòng 24 giờ, phần lớn các trường hợp này là do dị vật ở phế quản lớn và phế quản nhỏ. Sau khi biểu hiện của ‘hội chứng xâm nhập ngắn', trẻ có thể trở lại bình thường trong nhiều giờ nên cha mẹ ít để ý. Sau đó các dấu hiệu của xẹp phổi, bội nhiễm (viêm phế quản, viêm phổi, apces phổi…) do dị vật có thể xuất hiện như: sốt cao, ho khan, ho máu, ho có đờm và mủ, khó thở tăng dần, suy hô hấp, tím tái… Nếu không biết trẻ bị sặc, khi trẻ có biểu hiện ho và sốt thì cha mẹ thường chủ quan không đưa trẻ đi khám sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn.
1. Nếu bé ho hoặc khóc
Lúc này, tình hình chưa quá nghiêm trọng. Thông thường, khi di chuyển trong đường hô hấp, không khí sẽ gây ra tiếng ồn. Bé ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là bé đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng.
Nếu bé thở được thì không nên can thiệp vì điều này có thể gây nguy hiểm. Đừng tìm cách lấy vật lạ ra bằng động tác vỗ lưng ấn ngực, bạn có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến bé ngừng thở. |
|
Những việc cần làm:
• Hãy đứng bên cạnh cổ vũ, động viên bé tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp bé tống được vật lạ ra ngoài trong vòng một phút.
• Tỏ ra bình tĩnh, để bé hiểu rằng mọi chuyện vẫn ổn, như vậy bé sẽ không bị hoảng sợ. Theo dõi xem sau khi ho bé có dễ thở hơn hay không.
• Kiểm tra miệng bé và lấy ra những thứ bạn nhìn thấy trong đó. Tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm tìm vật lạ, vì như vậy bạn có thể vô tình đẩy vật này vào sâu hơn. Chỉ móc ra những thứ mà bạn nhìn thấy.
• Không cho bé uống bất cứ thứ gì trừ khi bé sặc phải đồ vật khô, ví dụ như bánh quy. Việc đưa thêm nước vào có thể làm tình hình tồi tệ hơn.
• Nếu sau khi cơn ho dịu đi, bạn vẫn tiếp tục nghe thấy tiếng thở ồn ào hay tiếng ho thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức, có thể vật lạ đã đi sâu vào phế quản.
• Nếu bé thở khó khăn trong vòng vài phút, gọi ôtô cấp cứu ngay. |
|
2. Nếu bé tỉnh táo và khó thở
• Kiểm tra miệng bé và lấy ra tất cả những thứ bạn có thể nhìn hoặc sờ thấy.
• Thực hiện động tác vỗ lưng ấn ngực:
A. Vỗ lưng:
Bé dưới 5 tuổi thì đặt nằm xuống đùi bạn, mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn ngực. Trẻ lớn thì cho ngồi hoặc đứng
Dùng gốc bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa hai bả vai. Kiểm tra miệng và lấy bất cứ thứ gì vừa xuất hiện. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực:
B. Ấn ngực:
• Đặt bé dưới 5 tuổi nằm ngửa trên đùi bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực.
• Ấn 5 lần vào nửa dưới của xương ức (với bé dưới 12 tháng thì dùng 2 ngón tay để ấn, với bé lớn hơn thì dùng phần gốc của bàn tay).
• Nếu đường thở vẫn tắc thì làm luân phiên 5 lần vỗ lưng/5 lần ấn ngực.
3. Nếu bé bất tỉnh và ngưng thở
• Gọi cấp cứu ngay.
• Bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi
• Mở khí quản qua màng nhẫn giáp cấp cứu do nhân viên y tế thực hiện nếu không thể lấy được dị vật trong đường thở.
Các biện pháp phòng ngừa
1. Đồ chơi
• Để bóng bay (đã thổi căng hoặc chưa thổi) ngoài tầm tay của bé.
• Để đồ chơi nhỏ, ví dụ như đồ chơi xếp hình Lego, giầy dép của Barbie… xa tầm tay của bé. Nhắc anh chị của bé tuân thủ quy định này.
• Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời.
2. Đồ đạc trong nhà
• Không để cúc áo và các loại pin trong tầm tay của bé.
• Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.
3. Phòng ngừa sặc thức ăn
• Luôn cho bé ngồi một chỗ khi ăn.
• Không cho bé ăn khi đang chạy, nhảy, cười đùa.
• Động viên bé ăn từ từ và nhai kỹ.
• Không bao giờ ép bé ăn, vì như vậy bé có thể bị nghẹn. |
|
Nên tập cho trẻ thói quen ngồi một chỗ khi ăn.
Tác giả: BS. Tăng Thị Minh Thu Khoa Nhi – Bệnh viện TƯQĐ 108