Hàng năm, cứ đến ngày 28/6, chúng ta lại tổ chức kỷ niệm và truyền thống về chủ đề nhân ngày Gia đình Việt Nam. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm, các thế mạnh của giáo dục gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con cái, mỗi năm, chủ đề của ngày Gia đình việt Nam lại tập trung vào những thông điệp có ý nghĩa đặc trưng của phương pháp giáo dục gia đình. Đó là: “Hãy thắp lửa cho mỗi gia đình”, “Kết nối yêu thương”, “Phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam”, “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình không có bạo lực” và năm 2018 là “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.
Bác Hồ đã dạy rằng: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì cũng không hoàn toàn mang lại kêt quả tốt”.
Bao giờ gia đình cũng là nơi giáo huấn đầu tiên của đứa trẻ. Trong thời kỳ mang thai, mọi tình cảm, hành vi cũng như thể lực của người mẹ đều trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của đứa con sau này. Những năm tháng của thời ấu thơ, nhất nhất những việc chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà đều có tác động mạnh đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ.
Ảnh: Internet
Chỗ mạnh nhất của giáo dục gia đình là quan hệ tình cảm ruột thịt giữa cha mẹ và con cái. Từ ánh mắt, nụ cười của người mẹ, đến cách răn dạy của người cha, đã tạo nhiều cảm xúc tích cực, yêu thương, có sực mạnh cảm hóa con cái.
Thời thơ ấu là thời kỳ rất quan trọng của sự phát triển tâm hồn con người. Những truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội đã được trẻ tiếp nhận từ nhỏ qua lời ru, chuyện kể, việc tạo dựng nề nếp, thói quen, quan hệ giao tiếp ứng xử…Những cơ sở, đạo đức ban đầu hình thành từ gia đình, việc tốt hay xấu, cứ thế mà phát triển khi trẻ đến trường va bước ra xã hội. Gia đình có vai trò như vậy, nhưng nhiều gia đình do nhận thức chưa đầy đủ hoặc do việc mưu sinh sống quá vất vả, bận rộn, nên đã sai lầm trong phương pháp hoặc có ý thức bỏ bê, lơ là, không quan tâm đến việc chăm sóc giáo dục con, gây nhiều hậu quả khôn lường.
Trẻ càng lớn thì càng xa gia đình, ít gắn bó với những người thân mà chịu ảnh hưởng nhiều của bạn bè và các tác động xã hội khác. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, những người bạn hữu hình và vô hình luôn gắn bó, tác động, lôi kéo trẻ, những tác động tốt có, những tác động xấu mà trẻ không nhận biết, không kiềm chế nổi, không phải là ít. Nhiều gia đình chứng kiến sự lớn lên của con cái mà buồn bực và thất vọng, chúng không được như cha mẹ mong muốn, có người như bị vuột mất đứa con thân yêu. Một câu hỏi đặt ra là: Trong một xã hội đang có nhiều biến động về kinh tế, xã hội, văn hóa như hiện nay thì liệu chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục, chăm sóc, bảo vệ con cái có còn được duy trì và bền vững? Hay chức năng đó đã bị sớm mai một để nhường chỗ cho những chức năng tự phát của giáo dục xã hội. Trong đó, phải kể đến các công nghệ truyền thông, công nghệ số, mà cái tốt, cái xấu, cái thực, cái ảo đang len lỏi tấn công con cái chúng ta. Các em thì ngơ ngác và bị cuốn theo, còn người lớn thì xót xa, đau đớn.
Hàng ngày, chúng ta đang chứng kiến cảnh trẻ em bị lơ là, bỏ mặc, trẻ bị xâm hại về thể chất, tinh thần, trẻ em bị sa vào các tệ nạn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến các thảm cảnh này là từ phía gia đình, nhà trường, hay xã hội? Trước khi phán xét nhà trường, xã hội, mỗi gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy con cái từ ấu thơ đến lúc trường thành hãy nhìn nhận trách nhiệm từ phía mình.
Hãy khắc phục mặt yếu của gia đình mình, phát huy mặt mạnh, với tinh thần trách nhiệm, tình cảm yêu thương gắn bó. Hãy xây dựng mỗi gia đình là một tổ ấm lành mạnh, đủ sức để bảo vệ con cái được sống an toàn trong thế giới công nghệ số đầy bất ổn và rình rập hiểm nguy.
|