Quy định về độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước ô tô và trẻ em phải ngồi ghế thiết kế riêng đang được đề xuất luật hóa tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia y tế, an toàn giao thông.
Các chuyên gia, nhà quản lý thống nhất cần luật hóa quy định trẻ em không được ngồi ghế trước ô tô, việc sử dụng ghế an toàn - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Vấn đề trên được nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan liên quan bàn luận trong cuộc họp chuyên đề khoa học đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô, do Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, Quỹ phòng chống thương vong châu Á tổ chức ngày 26-9.
Theo ông Trần Hữu Minh - chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm Việt Nam tăng khoảng 500.000 ô tô mới. Hạ tầng giao thông cũng được đầu tư tốt hơn. Ô tô được chạy 120km/h trên nhiều tuyến cao tốc và 80-90 km/h trên quốc lộ.
Lượng ô tô tăng và tốc độ chạy xe cao hơn nhưng dây đai an toàn trên xe chỉ phù hợp với chiều cao của người lớn, chưa có nhiều tác dụng với trẻ em. Do vậy quy định tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước của ô tô, độ tuổi được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em là cần thiết.
Bà Dương Khánh Vân - cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới - cho biết thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe được hiểu là hệ thống cố định trẻ em trên xe gồm: ghế cho trẻ sơ sinh dạng nôi (dưới 2 tuổi), ghế trẻ em nhỏ (2-6 tuổi), các loại đệm nâng (6-12 tuổi).
Sử dụng thiết bị an toàn đúng cách có thể giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em, sử dụng đệm nâng giảm 19% các ca chấn thương không gây tử vong so với chỉ sử dụng dây đai an toàn.
Hiện có 91 quốc gia ban hành luật về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Liên Hiệp Quốc cũng đã nâng quy định áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi, cao dưới 1,5m thay cho quy định áp dụng với trẻ dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m như trước đây.
Bà Vân khuyến cáo Việt Nam nên áp dụng theo quy định mới của Liên Hiệp Quốc vì hiện các nhà sản xuất thiết bị an toàn đang chuyển đổi sản xuất theo quy định này.
PGS.TS Phạm Việt Cường - Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương của Đại học Y tế cộng đồng - cho biết hiện nay Việt Nam chưa có quy định về an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Ông Cường đưa số liệu khảo sát 10.000 ô tô chở trẻ em tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM chỉ 1,3% xe sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó ở Hà Nội là khoảng 2,6%, TP.HCM 1,1%, Đà Nẵng không có. Những người sử dụng ghế riêng cho trẻ em hầu hết từng sống ở nước ngoài và sử dụng ghế khi chở trẻ con, một số người xem trên tivi và sử dụng để bảo vệ con cái.
"Tấm chắn nắng trước kính lái của xe thường khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,5m không ngồi ghế trước. Nhưng khảo sát ở Việt Nam có 22,8% trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% ngồi ghế trước chung với người lớn", ông Cường đưa ra con số và khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi, cao dưới 1,5 m cần được ngồi bằng thiết bị an toàn khi đi ô tô, trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi hàng ghế trước.
Có 15 triệu trẻ em hưởng lợi nếu bắt buộc trẻ dưới 12 tuổi sử dụng ghế an toàn
Hiện nay dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên ô tô dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách).
Bà Trần Xuân Hằng - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết các nghiên cứu chỉ ra đầu tư thiết bị an toàn khoảng 1,1 triệu đồng có thể giúp tiết kiệm được khoảng 3,34 triệu đồng chi phí y tế, khoảng 11,23 triệu đồng cho thu nhập trong tương lai.
Nếu bắt buộc trẻ 4 tuổi trở xuống sử dụng ghế an toàn, sẽ có gần 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách này. Nếu áp dụng với trẻ dưới 10 tuổi hoặc dưới 1,35m sẽ có khoảng 15 triệu trẻ em được hưởng lợi, có thể giảm 52% thương tích so với chỉ sử dụng dây đai an toàn.
Nếu nâng lên độ tuổi lên 12 tuổi hoặc cao dưới 1,5m sử dụng ghế an toàn (hiện khoảng 20 quốc gia quy định), sẽ có khoảng 15 triệu trẻ em được hưởng lợi.