1.Thế nào là giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non?
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rèn luyện và hình thành các kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức, tư duy, xác định mục tiêu, xử lý tình huống giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non về mọi mặt. Kỹ năng sống chính là nền tảng để cho trẻ biết yêu thương, quan tâm, thích nghi với môi trường xung quanh, phát triển kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống gặp phải trong cuộc sống một cách khéo léo hơn. Đồng thời, những kỹ năng này còn giúp phát triển tư duy cho trẻ hiệu quả.
2. Vì sao cần dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Mầm non là lứa tuổi đang trong giai đoạn tiếp thu, học hỏi để phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm và nhân cách. Vì vậy, dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non giúp trẻ nâng cao khả năng nhận thức, nhìn nhận vấn đề khách quan và khơi gợi được nhu cầu khám phá, đam mê học hỏi, tìm hiểu về thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non còn mang lại nhiều lợi ích như:
• Giúp cho trẻ rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ, năng động, tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn và thích nghi với hoàn cảnh.
• Trẻ sẽ được dạy về tình yêu thương, biết quan tâm, sẻ chia, lòng biết ơn, bao dung, biết lắng nghe và sống có tinh thần trách nhiệm.
• Bé sẽ có được sự tự tin, ôn hoà trong giao tiếp, biết lễ phép và cư xử đúng mực
• Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhằm xây dựng tinh thần say mê học hỏi, tìm tòi khám phá những điều thú vị trong cuộc sống cũng là nền tảng để trẻ đam mê học tập về sau.
3. Những kỹ năng sống các bé được học tại lớp họcs như:
3.1. Kỹ năng tự ăn
• Rèn luyện kỹ năng tự ăn sẽ giúp bé xây dựng được khả năng tự lập. Đây là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non và được nhiều chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên áp dụng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Từ đó, bố mẹ có thể cảm thấy yên tâm hơn khi có việc đột xuất hoặc đi công tác dài ngày vì khi đó trẻ đã có thể tự ăn một mình.
3.2. Kỹ năng giao tiếp
• Giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử cho trẻ là rất cần thiết. Đây là kỹ năng sống cho trẻ mầm non giúp trẻ có thể hòa nhập với bạn bè, thầy cô giáo một cách dễ dàng hơn.
• Trong giai đoạn này trẻ vẫn chưa thể nhận thức được những điều đang xảy ra xung quanh. Chính vì vậy, trẻ thường hay có thói quen bắt chước lời nói, hành động, cử chỉ của mọi người, đặc biệt là bố mẹ. Do đó, bố mẹ cần dạy cho bé những kỹ năng giao tiếp ứng xử từ những điều đơn giản nhất như chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết cách nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, học cách nhường nhịn… Những thói quen đơn giản này sẽ giúp bé hình thành được lối sống chuẩn mực sau này.
3.3. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
• Mặc dù trẻ còn nhỏ không thể tự làm mọi thứ một mình mà luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của bố mẹ. Tuy nhiên, đừng để trẻ quá phụ thuộc, dựa dẫm mà bố mẹ nên dạy cho bé biết cách chăm sóc bản thân với những công việc đơn giản hàng ngày như: tự đánh răng, mặc quần áo, chải tóc, mang giày dép, tự vệ sinh cá nhân, đi ngủ… Những công việc đó sẽ giúp cho trẻ rèn luyện được tính tự lập, biết cách chăm sóc bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh.
3.4. Kỹ năng sắp xếp đồ đạc cho trẻ
• Hướng dẫn kỹ năng sắp xếp đồ đạc cho trẻ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, chỉnh chu hơn trong mọi việc. Bố mẹ có thể bắt đầu từ việc dạy bé cách xếp quần áo, giày dép, đồ chơi… của con đúng nơi quy định. Đối với kỹ năng này, bố mẹ nên thực hiện cùng con để tạo cho bé cảm giác hào hứng, thích thú…
3.5. Kỹ năng vượt qua khó khăn, thử thách
• Việc một số bố mẹ bảo bọc con quá mức, thường hay giúp bé thực hiện hết mọi việc khiến bé có thói quen ỷ lại và không biết cách xử lý tình huống một cách độc lập. Để giúp bé chủ động hơn và có thể tự lập bố mẹ nên dạy cho bé cách để vượt qua khó khăn, thử thách từ những việc nhỏ nhất như tạo cho trẻ thói quen tự đứng dậy mỗi khi vấp ngã, tự giải quyết khó khăn trước khi được hướng dẫn…
3.6. Kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian
• Việc tạo cho bé thói quen quản lý thời gian ngay khi còn nhỏ sẽ giúp bé biết cách tự phân bổ quỹ thời gian một cách hợp lý. Theo đó, khi lớn lên bé có thể quản lý và lên kế hoạch cho công việc tốt hơn. Để giúp bé hình thành thói quen này bố mẹ có thể bắt đầu từ việc cho bé tự sắp xếp thời gian biểu cá nhân của mình và thực hiện các hoạt động của trẻ như ngủ nghỉ, xem tivi, ăn uống, đọc sách, vui chơi… đúng giờ.
3.7. Kỹ năng chăm sóc động vật và trồng cây
• Chăm sóc động vật và trồng cây là kỹ năng cần thiết khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Tâm hồn và tích cách của trẻ sẽ trở nên ấm áp, tươi đẹp hơn thông qua việc tiếp xúc với cây cối và các loài động vật. Kỹ năng sống cho trẻ mầm non này không những giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giúp bé có được những cảm xúc tích cực, vui vẻ mà còn cho bé học được cách quan tâm đến những thứ xung quanh.
3.8. Kỹ năng phòng tránh nguy hiểm
• Dạy cho trẻ kỹ năng phòng tránh nguy hiểm để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân là điều rất cần thiết. Vì cuộc sống thường có những nguy hiểm bất ngờ xảy ra, nếu như trẻ không học được cách tự bảo vệ bản thân thì sẽ gây ra những trường hợp không mong muốn. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ từ những việc nhỏ như cho bé học thuộc các thông tin liên lạc như số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà,… hay kỹ năng cảnh giác và biết cách đối phó khi gặp người lạ.
3.9. Kỹ năng chia sẻ và giúp đỡ mọi người
• Kỹ năng chia sẻ và giúp đỡ mọi người cũng là một trong những kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Các phụ huynh có thể rèn luyện cho bé bằng cách tạo cơ hội để bé có thể giúp đỡ người lớn những việc đơn giản như quét nhà, dọn dẹp bàn ghế…
• Đó là cơ sở để giúp trẻ trở thành người giàu lòng yêu thương, nhân ái, bao dung, biết sẽ chia, quan tâm đến người khác. Kỹ năng này giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng, có góc nhìn tích cực đối với cuộc sống.
3.10. Kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho trẻ
• Kỹ năng sống cho trẻ mầm non này thường được giảng dạy tại các trường mẫu giáo. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần cho bé thực hành để nắm bắt một cách chính xác hơn. Các bậc phụ huynh nên bắt đầu từ việc dạy trẻ cách nhận biết đèn giao thông, cách quan sát và xin qua đường…
3.11. Kỹ năng tự học hỏi
• Trẻ mầm non thường hay quan sát, tò mò và muốn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy tạo cho bé cơ hội để phát huy kỹ năng này thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn cho trẻ cách tự đặt câu hỏi cũng như để trẻ tự tìm ra đáp án cho câu hỏi đó để giúp cho não bộ và tư duy của bé phát triển hơn.
Giáo dục dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non là hướng đến tập trung phát triển các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Trong đó, trẻ là trung tâm của sự giáo dục, thầy cô và cha mẹ chỉ là người đồng hành, hướng dẫn cho trẻ. Trẻ có cơ hội thể hiện bản thân bằng chính năng lực, sự sáng tạo vốn có, từ đó giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tư duy, phản biện cho trong quá trình học tập và trải nghiệm. Trong giờ học trẻ hào hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động cùng cô và các bạn.
Sau đây là một số hình ảnh buổi học: