Cuộc sống quanh ta có những con người rất bình dị, nhưng những việc làm của họ lại không hề bình dị. Họ là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Có một người giáo viên như vậy trong trường Mầm non Tràng An, nơi tôi đang công tác. Cô đã khiến tôi rất ngưỡng mộ bởi lòng nhiệt tình, trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của một giáo viên luôn tâm huyết và cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Tấm gương mà tôi ngưỡng mộ và học tập là cô giáo Nguyễn Thị Nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhất sinh ngày 07 tháng 12 năm 1978. Trước khi bén duyên với nghề dạy học, cô là một công nhân may lành nghề của công ty May 10. Trong công việc, cô luôn nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên có nhiều sáng tạo, đổi mới trong cách làm việc nên cho hiệu quả và năng suất làm việc rất cao. Nhưng với tấm lòng yêu thương trẻ thơ và mong muốn được cống hiến sức mình cho sự nghiệp “trồng người” nên cô đã bỏ nghề may để học trường Trung học sư phạm chuyên ngành mầm non trong sự tiếc nuối của bạn bè đồng nghiệp và lãnh đạo công ty. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời cô nhưng luôn là lựa chọn mà cô chưa bao giờ thấy hối tiếc. Sau khi tốt nghiệp trung học sư phạm mầm non, với những kiến thức và sự nỗ lực của mình, cô đã thi đỗ công chức vào trường Mầm non Phù Đổng huyện Gia Lâm. Cô đã chính thức là giáo viên mầm non kể từ đấy. Cô đã đem hết tâm huyết và sức trẻ để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cống hiến cho ngôi trường mà cô công tác. Do hoàn cảnh gia đình có nhiều thay đổi nên cô đã xin chuyển công tác về trường mầm non Tràng An của chúng tôi. Đó cũng là cơ hội để giáo viên trường chúng tôi được tiếp xúc, được làm việc cùng cô, được ngưỡng mộ và học tập những đức tính và việc làm trân quý của cô.
Cô là một giáo viên có trình độ chuyên môn, rất nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công việc, đặc biệt là luôn tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Cô luôn tâm niệm rằng: Các bé lứa tuổi mầm non vẫn còn non nớt, mới xa vòng tay gia đình để đến với các cô. Các bé như những chú chim non mới tập dời tổ chập chững bay vào đời mà trường mầm non là môi trường xã hội đầu tiên các bé được tiếp xúc. Vì vậy mà cô luôn yêu thương học sinh như những đứa con thân yêu của mình. Cô luôn mang tình cảm của người mẹ vào trong công tác giảng dạy nên phương châm của cô là “vừa dạy, vừa dỗ”. Từ những kiến thức tích lũy được cô đã vận dụng vào công tác chăm sóc và giáo dục các con trẻ ở trường, khiến cho các con thích đến lớp, say mê học tập. Tỷ lệ học sinh của lớp cô phụ trách luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhà trường giao. Đối với các con suy dinh dưỡng có nhận thức chậm hơn các bạn, nhiều kỹ năng yếu thì cô tìm biện pháp, giải pháp, hình thức tốt nhất để giúp các con như: Dành thời gian trò chuyện vui vẻ với các con để trẻ mạnh dạn hơn, tổ chức các hình thức khen ngợi động viên trẻ kịp thời. Đến bữa ăn của trẻ, cô dành thời gian chăm sóc, động viên cho các con ăn và phối hợp với cha mẹ trẻ có chế độ ăn riêng, ăn hợp lý để trẻ vượt khỏi kênh suy dinh dưỡng.
Ngoài ra cô còn tích cực làm nhiều đồ dùng đồ chơi bền, đẹp để cho trẻ học tập, vui chơi và đã có nhiều đồ chơi được tham dự cấp trường đạt kết quả tốt. Cô cũng thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động để trẻ hứng thú học tập. Nhờ đó, mà kết quả học tập của lớp cô ngày một tiến bộ. Trong cô, lòng say mê nghề nghiệp, tình thương yêu đối với học sinh và tinh thần trách nhiệm luôn tỏa sáng. Cô luôn được học sinh yêu quý gọi cô là “mẹ Nhất”. Tiếng gọi “mẹ” rất trìu mến và chân thực xuất phát từ tình cảm trong sáng của con trẻ. Tình cảm chân thực đó luôn được dành cho cô. Chính vì vậy cô đã nhận được sự tin yêu, quý mến của phụ huynh các thế hệ học trò và sự tin yêu, kính trọng của nhân dân trong vùng.
Không chỉ là người giáo viên tâm huyết. Cô Nhất còn được biết đến là người giàu tình cảm và tích cực tham gia những hoạt động thiện nguyện. Trong thời gian nghỉ dịch Covid - 19, với tấm lòng tương thân tương ái vì cộng đồng, không quản ngại những việc khó khăn, không màng đến lợi ích bản thân, cô đã rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại chùa Linh Tiên - Hội Xá. Cái duyên đưa cô đến với hoạt động thiện nguyện tại chùa Linh Tiên là: Vào 1 buổi chiều lên chùa lễ phật, cô đã tình cờ thấy một số người đang vội vàng, bận rộn chuẩn bị các xuất cơm tối để gửi đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thấy mọi người bận rộn, với người có bản tính nhiệt tình, ham làm như cô không thể thờ ơ đứng nhìn, cô đã chủ động xin được tham gia phụ giúp. Thế rồi cô đã xin sư thầy Thích Minh Nhật, trụ trì chùa Linh Tiên - Hội Xá, cho cô được góp công, góp sức vào những hoạt động thiện nguyện của nhà chùa. Thời gian đó, dịch Covid – 19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên khắp cả nước. Số ca nhiễm bệnh tăng nhanh đột biến. Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã thực hiện Chị thị 16 - CT/CP giãn cách xã hội để phòng chống Dịch. Trong khoảng thời gian này, có những ngày cô cùng nhà chùa Linh Tiên nấu gần 1000 xuất cơm cho các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh viện Đường sắt, Trường Đại học Bách Khoa - Hà Nội và các chốt phòng dịch ở Phúc Lợi. Hàng ngày công việc bận rộn luôn chân tay, cô thấy rất mệt mỏi nhưng nghĩ đến những nhân viên y tế đang căng mình, kiệt sức chống dịch, cô càng thêm cố gắng thích nghi với công việc. Cô đã chia sẻ: “ Mặc dù khi làm công việc ngoài chuyên môn, điều kiện làm việc, sinh hoạt gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng với ý thức, trách nhiệm muốn đóng góp công sức của mình cùng với cộng đồng chống dịch Covid -19 , tôi luôn sẵn sàng xông pha, cống hiến để góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, để tôi được gặp các học trò thân yêu của mình”.
Ngoài tham gia nấu cơm từ thiện cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, cô còn có những chuyến lên vùng núi của tỉnh Lai Châu từ thiện gạo cho người dân nghèo và góp công xây phòng khách của chùa Linh Dơn.
Tham gia công tác thiện nguyện nhiệt tình là thế, nhưng cô vẫn luôn xác định nhiệm vụ chuyên môn phải là công việc quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, cô vẫn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn của mình. Trong suốt thời gian nghỉ dịch, thực hiện theo phương châm của ngành Giáo dục “tạm dừng đến trường, không dừng học”, cô đã không quản ngại khó khăn soạn bài, tạo video bài giảng, tạo các trò chơi giao lưu kết nối, phối hợp cùng phụ huynh học sinh cho trẻ học qua zoom, đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho độ tuổi khi trẻ nghỉ dịch tại nhà.
Được làm việc cùng cô, tôi đã học hỏi ở cô rất nhiều về lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm trong công việc. Trong cơ quan, cô là người sống khiêm nhường, giản dị, không chạy theo thành tích, luôn nhiệt tình, quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, từ đó góp phần xây dựng một tập thể đoàn kết. Với cô quan niệm, mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau, sống trong cùng một tập thể nếu mỗi người đều phát huy hết thế mạnh của mình để cống hiến cho tập thể thì sẽ tạo nên một tập thể đoàn kết, phát triển. Và đúng như vậy, cô đã phát huy hết thế mạnh và sở trường của mình để cống hiến cho tập thể trường Mầm non Tràng An. Vốn có tay nghề kỹ thuật cao trong ngành may, cùng với sự khéo tay của mình cô đã chủ động xin Ban Giám hiệu để mình tự sửa chữa tất cả rèm cửa của các lớp và các phòng chức năng trong nhà trường. Để sửa được hết rèm cô lại phải tự đi tìm hiểu, học hỏi nguyên lý hoạt động của bộ rèm kéo dây và học hỏi kinh nghiệm sửa chữa rèm từ một vài người thợ. Cô đã sửa xong toàn bộ rẻm của cả trường, điều này đã giúp nhà trường tiết kiệm một khoản chi không nhỏ cho nhà trường.
Dù mất công, mất sức nhưng cô luôn vui vẻ, không chút phàn nàn. Cô coi mỗi một việc khó là một thử thách. Cô cảm thấy vui và tự hào khi chinh phục được mỗi thử thách bằng khả năng của chính mình. Từ việc làm và sự cố gắng của cô mà nhà trường đã tiết kiệm được rất nhiều kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất hàng năm. Nguồn kinh phí tiết kiệm đó được nhà trường sử dụng vào việc đầu tư mua thêm các loại đồ dùng trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học trong trường. “một người làm chẳng bằng cả tập thể cùng chung sức”, nghĩ vậy nên cô đã nhiệt tình hướng dẫn giáo viên chúng tôi cách sửa để mỗi khi hỏng các lớp đều tự sửa được ngay. Chính những suy nghĩ và việc làm của cô đã lan truyền cho những người giáo viên như tôi tinh thần nhiệt huyết và sự trách nhiệm, tận tâm trong công việc. Trong cô ngọn lửa nhiệt huyết không bao giờ tắt. Không dừng lại ở việc học cách sửa rèm, cô còn học cách sửa chữa những hỏng hóc nhỏ trong trường như sửa cánh cửa tủ đồ của trẻ bị hỏng hay khoan, vít lại các con ốc bị long ở giường của trẻ. Tất cả những công việc đó cô đều tự nguyện xin làm mà không cần thành tích.
Có những lúc áp lực do công việc nhiều khiến tôi cảm thấy mệt mỏi nhưng nghĩ tới những lời cô tâm sự, những việc cô làm, tôi lại thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để làm việc tốt hơn. Đúng là cô Nhất đã có sự lan tỏa rất lớn đối với bản thân tôi và đồng nghiệp. Đó là sự lan tỏa tích cực và giúp chúng tôi đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Cảm ơn cô, một nhà giáo đã viết nên bao câu chuyện thật đẹp giữa đời thường! Cảm ơn cô đã truyền cho những người giáo viên như chúng tôi bài học về lòng nhiệt tình, về sự tận tuỵ, say mê và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Cô thật xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho những cán bộ, giáo viên trẻ học tập và noi theo. Cô luôn tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết để chúng tôi có thêm động lực cống hiến nhiều hơn nữa cho Trường mầm non Tràng An, cho sự nghiệp “trồng người”. Qua bài viết này, tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối học tập tấm gương của cô cũng như học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng là người cán bộ, giáo viên gương mẫu trong nhà trường. Mong cô mãi là một đóa hoa ngát hương tô thắm thêm cho vườn hoa của ngành giáo dục.
Một số hình ảnh đẹp về cô Nguyễn Thị Nhất: