Lớp tập huấn chuyên đề chính sách pháp luật và quan hệ lao động nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ Công đoàn Thủ đô về 2 bộ Luật quan trọng đối với cán bộ Công đoàn, đó là Luật Lao động năm 2019 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - công cụ pháp lý bảo vệ người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Sáng 24/8, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn chuyên đề Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (CSPL&QHLĐ) năm 2023 cho các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ theo dõi chuyên đề CSPL&QHLĐ của LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Theo đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban CSPL&QHLĐ LĐLĐ thành phố Hà Nội, các đơn vị vừa tổ chức xong Đại hội Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhiệm kỳ 2023 - 2028 nên có nhiều cán bộ Công đoàn mới, vì vậy, tại buổi tập huấn hôm nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn 2 bộ Luật quan trọng đối với cán bộ Công đoàn, đó là Luật Lao động năm 2019 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Tạ Văn Dưỡng đề nghị các đại biểu tham dự lớp tập huấn cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung tiếp thu kiến thức. Từ đó tham mưu với Ban Thường vụ LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai sâu rộng đến các Công đoàn cơ sở về các nội dung liên quan đến Luật Lao động năm 2019 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội truyền đạt những nội dung quan trọng trong bộ Luật Lao động năm 2019.
Báo cáo viên đã giới thiệu tổng quan có gần 200 điều trong tất cả các chương được bổ sung, sửa đổi. Trong số đó có những điều hoàn toàn mới, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Cụ thể trong đó cho phép người lao động được lựa chọn tổ chức đại diện khác cho mình mà mỗi cán bộ công đoàn cần nhận thức đầy đủ nhất. Đây là những nội dung hết sức gần gũi, thiết thực, bổ ích đối với mỗi đồng chí cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động.
Phần tiếp theo của lớp tập huấn, đại biểu được nghe đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban CSPL&QHLĐ LĐLĐ thành phố Hà Nội giới thiệu phương pháp tiếp cận, những nội dung chính sách, quy định mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật gồm 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo tính thực thi và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Luật còn quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, chia sẻ về những vấn đề bản thân quan tâm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và đều được giải đáp thỏa đáng. Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu đã có thêm những thông tin, kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Sau buổi tập huấn, từng cán bộ công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến để người sử dụng lao động và đông đảo cán bộ công đoàn cấp dưới, từng người lao động biết, thực hiện, tránh xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động.