Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Tuy nhiên trẻ em dễ bị dụ dỗ, xâm phạm bởi lẽ xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn yếu kém. Pháp luật quy định cụ thể những quyền mà trẻ em được hưởng nhằm đảm bảo lợi ích cho trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những quyền mà trẻ em được hưởng thì pháp luật cũng quy định những bổn phận mà trẻ em phải thực hiện, trong đó có bổn phận trẻ em đối với bản thân.
Khái quát về bổn phận của trẻ em.
Bổn phận là trách nhiệm, phần việc phải gánh vác, lo liệu. Bổn phận của trẻ em là việc trẻ em phải có trách nhệm thực hiện những phần việc phù hợp với độ tuổi, khả năng của mình theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bổn phận của trẻ em được quy định bao gồm có bổn phận đối với gia đình; đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; đối với cộng đồng, xã hội; đối với quê hương, đất nước; và đối với bản thân. Quy định về bổn phận trẻ em đối với bản thân được quy định cụ thể theo Điều 41 Luật trẻ em 2016.
Những bổn phận của trẻ em đối với bản thân.
Thứ nhất: Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân.
Hủy hoại thân thể là tự mình hoặc nhờ người khác gây ra cho cơ thể mình những thương tật, bệnh tật tạm thời hay vĩnh viễn. Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất mà mỗi con người có được. Danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức. Theo đó, trẻ em có trách nhiệm với bản thân trong học tập, rèn luyện để phát triển nâng cao đời sống; đồng thời không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, của cải vật chất của bản thân.
Thứ hai: Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể.
Trung thực, khiêm tốn là những đức tính cần có đặc biệt là đối với trẻ em, hình thành cho trẻ em lối sống chuẩn mực cũng như góp phần vào việc giáo dục trẻ một cách tốt nhất. Bên cạnh rèn luyện về mặt trí tuệ, đạo đức thì rèn luyện thể chất cũng cần được chú trọng nhằm nâng cao sức khỏe cho bản thân và xây dựng cuộc sống lành mạnh.
Thứ ba: Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang.
Học tập là quá trình xuyên suốt, không ngừng nghỉ, là yếu tố tiên quyết để hoàn thiện và phát triển bản thân. Trẻ em có bổn phận đối với việc học của mình, cố gắng học tập và rèn luyện ở gia đình, trường học và xã hội; không được tự ý bỏ học hay rời bỏ gia đình sống lang thang.
Thứ tư: Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác.
Trẻ em là đối tượng dễ bị dụ dỗ vào các tệ nạn xã hội xuất phát từ nhận thức, độ tuổi còn yếu kém. Chính vì vây, qua việc giáo dục ở gia đình, nhà trường, trẻ em tiếp thu và có bổn phận không tham gia đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của bản thân, gia đình và xã hội.
Thứ năm: Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
Trẻ em đang trong quá trình học tập và rèn luyện để phát triển bản thân nên những sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy được thể hiện bằng hành động, hình ảnh, âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục dân tộc sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em. Theo đó trẻ em có bổn phận không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.