Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Tuy nhiên trẻ em dễ bị dụ dỗ, xâm phạm bởi lẽ xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn yếu kém. Pháp luật quy định cụ thể những quyền mà trẻ em được hưởng nhằm đảm bảo lợi ích cho trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những quyền mà trẻ em được hưởng thì pháp luật cũng quy định những bổn phận mà trẻ em phải thực hiện, trong đó có bổn phận trẻ em đối với gia đình.
Khái quát về bổn phận của trẻ em.
Bổn phận là trách nhiệm, phần việc phải gánh vác, lo liệu. Bổn phận của trẻ em là việc trẻ em phải có trách nhệm thực hiện những phần việc phù hợp với độ tuổi, khả năng của mình theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bổn phận của trẻ em được quy định bao gồm có bổn phận đối với gia đình; đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; đối với cộng đồng, xã hội; đối với quê hương, đất nước; và đối với bản thân. Quy định về bổn phận trẻ em đối với gia đình được quy định cụ thể theo Điều 37 Luật trẻ em 2016.
Những bổn phận của trẻ em đối với gia đình.
Thứ nhất: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Thứ hai: Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.
Gia đình đóng vai trò quan trọng, là cái nôi cho sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Gia đình bao gồm các thành viên gắn bó, chung sống với nhau có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Trẻ em phải kính trọng, lễ phép hiểu thảo với ông bà, cha mẹ là những người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục mình. Trẻ em có trách nhiệm yêu thương, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ mọi vấn đề trong đời sống hằng ngày. Điều này sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ, thấu hiểu trẻ em từ đó sẽ được định hướng tốt hơn cho trẻ em khi gặp phải những điều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời trẻ em có trách nhiệm học tập, giữ gìn nề nếp gia đình, rèn luyện về thể chất nâng cao ý thức, thói quen lao động chân tay hàng ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu, giúp các thành viên khác trong gia đình những công việc phù hợp với khả năng và độ tuổi của mình.