Những nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Theo Điều 5 Luật trẻ em 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em bao gồm năm nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất: Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.
Quyền trẻ em là những quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp mà trẻ em được hưởng theo quy định của pháp luật. Đó là những quyền cần có để trẻ em được sống, lớn lên và phát triển một cách toàn diện, lành mạnh. Bên cạnh những quyền lợi đó, trẻ em có nghĩa vụ thực hiện bổn phận của mình. Theo đó, bổn phận của trẻ em là trách nhiệm, phần việc trẻ em phải thực hiện với đúng lứa tuổi của mình đối với bản thân, gia đình, cộng đồng. Pháp luật bảo đảm trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.
Thứ hai: Không phân biệt đối xử với trẻ em.
Phân biệt đối xử là hành vi tạo ra sự phân biệt sai trái giữa những con người. Phân biệt đối xử tạo ra khoảng cách, hạn chế, ngăn cản hoặc thậm chí là loại bỏ sự phát triển khi bị đối xử kém, không công bằng. Pháp luật quy định không được phân biệt đối xử với trẻ em. Tất cả trẻ em đều được đối xử bình đẳng, ngang nhau về giới tính, độ tuổi, xu hướng tính dục, quốc tịch, màu da, tôn giáo, sắc tộc, tầng lớp, địa vị kinh tế, địa vị xã hội, nguồn gốc, ngôn ngữ và những cơ sở khác.
Thứ ba: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt, vậy nên lợi ích của trẻ em là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến trẻ em phải đặt lợi ích của trẻ em là mục tiêu thực hiện. Nguyên tắc này đảm bảo trẻ em luôn được quan tâm hàng đầu, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của trẻ em được tốt nhất.
Thứ tư: Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Pháp luật bảo đảm và tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Đứng dưới góc độ là người thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em, việc lắng nghe trẻ em suy nghĩa gì, mong muốn như thế nào là việc quan trọng góp phần phát huy việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nguyên tắc đảm bảo trẻ em không bị áp đặt, ép buộc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cuối cùng: Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, ngành và địa phương.
Theo đó, nguyên tắc chỉ rõ các chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em phải xem xét ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo trong quy hoạch về quy hoach, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, ngành và địa phương.