Trẻ em là đối tượng dễ bị dụ dỗ, xâm phạm bởi lẽ xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn yếu kém. Chính vì vậy pháp luật đặt ra những quy định cụ thể về trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt nhằm xác định rõ được đối tượng cần được hỗ trợ, quan tâm để phát triển. Đặc biệt là trẻ em bị bóc lột.
Khái quát về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bóc lột.
Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.
Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Các trường hợp trẻ em bị bóc lột thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại Điều 12 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Theo đó, pháp luật quy định các trường hợp như sau:
Thứ nhất: Trẻ em bị bắt buộc tham gia lao động trái quy định của pháp luật về lao động.
Theo đó, trẻ em bị bắt buộc tham gia lao động trái quy định của pháp luật về lao động sẽ thuộc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Lao động trái pháp luật ở đây được hiểu là trẻ em bị bóc lột sức lao động , bị bắt làm những công việc không đúng với độ tuổi, quá sức, quá thời gian làm, hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật hoặc nơi làm việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Thứ hai: Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trình diễn hoặc bị sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khiêu dâm.
Sản xuất sản phẩm khiêu dâm là việc sử dụng phương tiện là trẻ em để xây dựng hình ảnh, phim ảnh, tư liệu một cách rõ ràng, hoặc mô phỏng, hoặc bất kỳ sự thể hiện nào về bộ phận sinh dục trẻ em nhằm mục đích tình dục.
Thứ ba: Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động du lịch mà bị xâm hại tình dục; bị cho, nhận hoặc cung cấp để hoạt động mại dâm.
Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Hoạt động mại dâm là hành vi vì tiền hay lợi ích vật chất khác mà thực hiện hành vi giao cấu với người mua dâm, hoặc trả tiền hay lợi ích vật chất cho người bán dâm để được giao cấu.
Thứ tư: Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động vận chuyển, mua bán, sản xuất, tàng trữ chất gây nghiện và các hàng hóa khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.
Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Theo đó trẻ em bị bóc lột nếu bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động vận chuyển, mua bán, sản xuất, tàng trữ chất gây nghiện và các hàng hóa khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.
Thứ năm: Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trục lợi khác.