Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, với gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và các văn bản pháp luật về biển đảo của Nhà nước ta và luật biển quốc tế, những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo trên biển đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển, đã góp phần làm cho nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về vị trí chiến lược của biển, đảo từng bước được nâng cao.
Từ năm 2009 đến nay, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 - 08/6) gắn với kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới (08/6) là sự kiện thường niên, đã trở thành hoạt động cụ thể và được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, qua đó nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại, tính cấp thiết của bảo vệ đại dương.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 có chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6 hằng năm) do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 “ Đại dương: Sự sống và sinh kế ” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất.
Thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam Ngày Đại dương thế giới năm 2021. Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “…kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”./.
* Khẩu hiệu tuyên truyền:
1. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân.
2. Chung tay góp sức vì biển đảo quê hương.
3. Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong tim chúng ta.
4. Đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
5. Bảo đảm sinh kế cho người dân để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
6. Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển.
7. Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam.
8. Phát triển bền vững kinh tế biển - Không một ai bị bỏ lại phía sau.
9. Bảo vệ đại dương khỏi nhựa là bảo vệ tương lai của con người.