Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan mạnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội), tuần gần đây nhất ghi nhận 800 ca đau mắt đỏ đến khám. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20 - 30 ca là đau mắt đỏ.
Điều làm nhiều người thắc mắc là
đau mắt đỏ có nên đi bơi, hay lây qua nước bể bơi? Có người thân mắc bệnh thì có cần ngủ riêng?
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, hướng dẫn:
Gỉ mắt, bệnh phẩm sẽ lẫn trong nước bể bơi. Hóa chất khử khuẩn nước bể bơi có thể không đủ nồng độ để diệt vi rút, nếu khử khuẩn nước bằng muối biển thì cần đạt nồng độ 20%.
Do đó, người đau mắt đỏ không đi bơi để tránh lây cho người khác.
Các địa điểm công cộng như siêu thị, rạp chiếu phim... cũng là các địa điểm dễ lây, nhất là do tiếp xúc gần, khoảng cách gần (từ 1m) đã có thể bị lây nhiễm vi rút gây đau mắt đỏ (vi rút này có trong nước bọt). Vì thế người đau mắt đỏ cũng cần tránh đến các địa điểm công cộng như trên trong thời gian dễ lây lan.
Cụ thể, khả năng lây mạnh nhất là khi có các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc ngày thứ 5 - 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác là khoảng 2 tuần.
Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn. Mỹ và châu Âu thường cho nghỉ 1 tuần với các ca đau mắt đỏ.
Bác sĩ Cương cũng cho rằng nên lưu ý, đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc, rất dễ lây qua đường tay - mắt: tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh, rồi tay chạm vào các vật dụng khác là vương vãi mầm bệnh...
Đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung với người bệnh do dễ lây. Trong điều trị cần sử dụng thuốc đúng theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.