Thực hiện bình đẳng giới là nhằm mục tiêu xoá bỏ phân biệt, đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ và thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng.Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp, rực rỡ”. Về công tác phụ nữ, Người cũng căn dặn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiến bộ, không thành kiến, hẹp hòi với họ, và việc phát huy vai trò và năng lực sáng tạo của phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các nghị quyết, văn bản pháp luật và chính sách riêng về bình đẳng giới nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, lao động và chính trị.
Sau 18 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đã đạt thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội, với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng không ngừng tăng qua các nhiệm kỳ. Đáng chú ý, 59% các bộ và cơ quan ngang bộ hiện có nữ lãnh đạo chủ chốt, và 74,6% chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã đạt 30,26%, vượt mức trung bình toàn cầu.
Ngoài ra, khoảng cách giới trong tất cả các cấp học được thu hẹp rõ rệt; mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng; vai trò và vị thế của phụ nữ trong kinh tế cũng ngày càng vững chắc, với tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp vào năm 2024 đạt 28,2%.
Những con số được ghi nhận là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Một trong những vấn đề lớn là tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới, vẫn còn tồn tại và là trở ngại trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới tại Việt Nam; mặc dù tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đã có nhiều, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của phụ nữ trong xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn phải gánh vác nhiều công việc không được trả công, như nội trợ và chăm sóc gia đình. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, vẫn tồn tại khá phổ biến.
Vì vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực an sinh xã hội, vẫn cần được ưu tiên trong thời gian tới, nhằm tiến tới bình đẳng giới thực chất hơn.
Để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; trong năm 2024, Trường Mn Tràng An kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức, và cộng đồng cùng nhau thực hiện các hành động cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới với các nhóm thông điệp sau:
* Nhóm khẩu hiệu tuyền thông về luật pháp, chính sách, chủ trương
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
- Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai.
- Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.
- Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế của quốc gia.
- Giới tính không quyết định năng lực và trình độ.
- Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.
- Bình đẳng giới là chìa khóa để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
- Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay.
- Ưu tiên nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái.
- Nâng cao vai trò của phụ nữ giúp hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Nhóm khẩu hiệu, thông điệp truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật.
- Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh.
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực.
- Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực.
- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại.
- Đồng tình với bạo lực là bạn đang cổ xúy cho hành vi sai trái.
- Không đổ lỗi cho người bị bạo lực.
- Không phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng.
* Nhóm khẩu hiệu, thông điệp truyền thông về huy động sự tham gia của nam giới và xã hội
- Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc.
- Việc nhà không của riêng ai.
- Mình là đàn ông, mình không gây bạo lực.
- Hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.