Dù nấu chín hay ăn sống thì các loại thực vật như rau củ, trái cây đều chứa nhiều dinh dưỡng. Nhiều loại thực vật sẽ mất đi một phần dưỡng chất khi nấu chín, trong khi số khác thì nấu chín sẽ làm tăng các dưỡng chất có lợi. Bên cạnh đó, một số loại buộc phải nấu chín vì ăn sống có thể gây ngộ độc.
Ngoài vấn đề ngộ độc, một số loại thực vật nếu ăn sống cũng có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày hoặc các tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tránh ăn sống các loại thực vật này.
Các loại thực vật cần được nấu chín và tránh ăn sống gồm:
Khoai tây. Khoai tây nếu luộc chín sẽ mềm, chiên sẽ giòn. Trong khi đó, khoai tây sống sẽ có kết cấu cứng khi cắn vào và mang vị đắng. Không chỉ không ngon, khoai tây sống còn có thể gây một số vấn đề khó chịu với đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Nguyên nhân là do thành phần chủ yếu của khoai tây sống là tinh bột kháng. Cơ thể chúng ta khó phân hủy loại tinh bột này. Do đó, khi đi vào ruột, một lượng lớn tinh bột kháng sẽ gây các triệu chứng khó chịu cho đường tiêu hóa.
Khoai mì. Khoai mì thường được chế biến bằng cách luộc, nướng và là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, cũng tương tự như khoai tây, khoai mì không nên ăn sống mà phải nấu chín. Nguyên nhân là do trong vỏ và thịt khoai mì đều có chứa xyanua, một chất độc có thể gây tử vong