Cuốn sách "Bảo vệ mắt con trong thời đại siêu cận thị" cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức hữu ích và tiên tiến nhằm bảo vệ đôi mắt quý giá của con trẻ trong một thế giới ngày càng số hóa.
Ishizaki Shuya, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và Trung học Kyoto, là một trong những học sinh đã tham gia chương trình nghiên cứu về thao tác nhìn gần có ảnh hưởng như thế nào đến việc tiến triển cận thị nhanh của Đại học Y - Nha khoa Tokyo (Nhật Bản).
Cậu bé được đeo một thiết bị có trọng lượng bằng một tờ giấy A4 vào gọng kính để đo khoảng cách giữa mắt và các vật thể trong ngày. Kết quả cho thấy cậu bé có hơn 4 tiếng nhìn gần dưới 30cm trong ngày, đặc biệt là khi chơi game, đọc truyện tranh. Trong khi chuyên gia làm việc tại trung tâm nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản về cận thị cho biết: Thao tác nhìn gần liên tục trên 30 phút hoặc trên 2 tiếng một ngày sẽ làm gia tăng nguy cơ tiến triển cận thị nhanh. Và thực tế với lối sinh hoạt như vậy, mắt của Ishizaki tăng độ cận rất nhanh, khiến cha mẹ cậu vô cùng lo lắng.
Tác giả Ohishi Hiroto cho biết thói quen học tập, sinh hoạt không hợp lý như Ishizaki cũng là lý do khiến tình trạng cận thị của trẻ em nói riêng và người trẻ toàn cầu đang tăng lên một cách báo động. Dự đoán đến năm 2050, khoảng 50% dân số thế giới sẽ bị cận thị, theo các nghiên cứu khoa học và số liệu thống kê được cập nhật bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều đáng nói, cận thị gây ra rất nhiều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của con trẻ cũng như người trưởng thành. Đây chính là lý do khiến Ohishi Hiroto bắt tay viết cuốn sách Bảo vệ mắt con trong thời đại siêu cận thị nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức hữu ích và tiên tiến nhất nhằm bảo vệ đôi mắt quý giá của con trẻ.
Trong 2 chương đầu của cuốn sách, tác giả đưa ra thông tin và phân tích chi tiết về tình trạng cận thị ngày càng gia tăng ở trẻ em, cũng như những biến chứng nguy hiểm mà chứng cận thị có thể gây ra cho trẻ.
Ở chương tiếp theo, tác giả cung cấp thông tin về những biện pháp phòng chống cận thị và điều trị mới nhất trên thế giới. Hai phương pháp đáng lưu ý là "điều trị mới làm ức chế quá trình tiến triển của cận thị" và "điều trị cận thị dựa trên cách thay đổi thói quen sinh hoạt". Trong đó, việc điều trị cận thị dựa trên cách thay đổi thói quen sinh hoạt với những hướng dẫn chi tiết hoàn toàn là điều các phụ huynh có thể áp dụng ngay lập tức để mang lại thay đổi tích cực cho con mình.
Ở chương cuối, Ohishi Hiroto đưa ra cảnh báo và hướng dẫn cụ thể để hóa giải việc điều chỉnh cận thị quá mức làm cho tình trạng cận thị ở con trẻ trở nên xấu hơn. Cụ thể, việc đeo kính bị điều chỉnh quá mức sẽ làm cận thị ngày càng tiến triển. Trong vấn đề này cha mẹ cần lưu ý yêu cầu cắt kính cho con có số độ sao cho kính có khoảng cách nhìn thấy dễ dàng bằng khoảng cách nhìn thường xuyên.