Các nhà nghiên cứu nhận thấy thời gian xem điện thoại và tivi càng lâu thì triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, sự chậm phát triển càng rõ.
Phụ huynh nên điều chỉnh thời gian con dùng các thiết bị kỹ thuật số (tối đa 3 giờ/ngày), tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời - Ảnh: MINH ĐỨC
Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Hải - đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết rối
loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn thần kinh não bộ, đồng thời là một chứng rối loạn phát triển, trong đó người mắc phải có biểu hiện kém phát triển trong giao tiếp, tương tác với người khác và trong hành vi.
Trẻ có thể biểu hiện nhiều triệu chứng, thiếu hụt kỹ năng và mức độ suy yếu, đồng thời hạn chế rõ rệt các hoạt động và sở thích, khả năng nhận thức, khả năng ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ.
Với thắc mắc trẻ thường xuyên xem điện thoại và tivi sẽ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ? Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Hải cho hay theo nhiều nghiên cứu và trên thực tế thấy rằng trẻ rối loạn phổ tự kỷ có mối liên hệ với việc thường xuyên xem tivi và điện thoại.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy thời gian sử dụng thiết bị càng lâu thì các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ (đặc biệt là các triệu chứng giác quan) và sự chậm phát triển càng rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ.
Vậy có nên hay không nên cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ xem tivi và điện thoại? Chuyên gia tâm lý cho rằng trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động khác nhau liên quan đến não của thời gian sử dụng thiết bị.
Những tác dụng phụ điện tử này bao gồm hưng phấn quá mức và rối loạn điều hòa, gọi là hội chứng màn hình điện tử, cũng như chứng nghiện công nghệ, trò chơi điện tử, Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội...
Tuy nhiên trẻ rối loạn phổ tự kỷ có đủ phong cách riêng và thường học tốt nhất bằng mắt và tai, trong khi lời nói ít có tác dụng với chúng.
Các video có thể được xem đi xem lại nhiều lần thực sự là công cụ mạnh mẽ để dạy các kỹ năng, khái niệm và thậm chí cả phản ứng cảm xúc.
Việc xem tivi và điện thoại được chọn lọc cẩn thận có thể giúp trẻ xây dựng kiến thức và kỹ năng có thể sử dụng ở nhà, trường học và tương tác xã hội.
Với những ưu và nhược điểm của thời gian sử dụng thiết bị, cha mẹ nên điều chỉnh thời gian con dùng các thiết bị kỹ thuật số, ba giờ mỗi ngày là giới hạn thời gian tối đa cho việc sử dụng các thiết bị này.
Các phụ huynh đảm bảo rằng con bạn không sử dụng màn hình ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Sử dụng thời gian trên màn hình như một phần thưởng cho các hoạt động mà con bạn có thể không thích, chẳng hạn như dọn dẹp, làm bài tập về nhà hoặc các công việc khác.