Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Chính vì vậy, pháp luật quy định chi tiết các vấn đề về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Vậy nội dung quản lý nhà nước về trẻ em được quy định như thế nào?
Những quy định về nội dung quản lý nhà nước về trẻ em.
Quản lý nhà nước là chức năng quan trọng nhất vận hành thường xuyên bằng bộ máy nhà nước bảo đảm mọi hoạt động của xã hội cũng như trên từng lĩnh vực đời sống xã hội vận động theo một hướng, đường lối nhất định do Nhà nước định ra.
Về nội dung quản lý nhà nước về trẻ em được quy định theo Điều 8 Luật trẻ em 2016 như sau:
1.Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, chứa đựng những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, làm khuôn mẫu xử sự cho các chủ thể pháp luật, được áp dụng nhiều lần cho nhiều chủ thể pháp luật trong khoảng thời gian nhất định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định mà nhà nước muốn xác lập. Văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em phải đảm bảo trình tự theo quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.
Cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, tổ chức thực hiện các phương thức chiến lược thực hiện các vấn đề về trẻ em, các chính sách bao gồm hệ thống nguyên tắc có chủ ý hướng dẫn các quyết định được các kết quả hợp lý, Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những mục tiêu quốc gia về trẻ em đảm bảo hỗ trợ việc quản lý về trẻ em cũng như góp phần quan tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
3. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.
4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.
5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.
Công tác bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em được thực hiện có hiệu quả, tránh sai sót từ chuyên môn nghiệp vụ.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Việc quản lý nhà nước về trẻ em được thực hiện chặt chẽ thông qua việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của trẻ em. Trẻ em được cơ quan quản lý nhà nước bảo về xử lý giải quyết khiếu nại, tố cao khi có vi phạm pháp luật về trẻ em. Đồng thời tôn trọng, lắng nghe trẻ em hay tiếp nhận ý kiến từ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
7. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.
Hợp tác quốc tế được hiểu là việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những cam kết đối với các quan hệ quốc tế về thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em. Việc hợp tác nhằm giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của trẻ em, đảm bảo không chống phá, chiến tranh, tạo điều kiện tất cả trẻ em đều được bình đẳng, quan tâm, giáo dục và phát triển.