Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Tuy nhiên trẻ em dễ bị dụ dỗ, xâm phạm bởi lẽ xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn yếu kém. Pháp luật quy định cụ thể những quyền mà trẻ em được hưởng nhằm đảm bảo lợi ích cho trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những quyền mà trẻ em được hưởng thì pháp luật cũng quy định những bổn phận mà trẻ em phải thực hiện, trong đó có bổn phận trẻ em đối với quê hương, đất nước.
Khái quát về bổn phận của trẻ em.
Bổn phận là trách nhiệm, phần việc phải gánh vác, lo liệu. Bổn phận của trẻ em là việc trẻ em phải có trách nhệm thực hiện những phần việc phù hợp với độ tuổi, khả năng của mình theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bổn phận của trẻ em được quy định bao gồm có bổn phận đối với gia đình; đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; đối với cộng đồng, xã hội; đối với quê hương, đất nước; và đối với bản thân. Quy định về bổn phận trẻ em đối với quê hương, đất nước được quy định cụ thể theo Điều 40 Luật trẻ em 2016.
Những bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước.
Thứ nhất: Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Yêu quê hương, đất nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần được kế thừa và phát huy. Chính vì vậy, trẻ em cần phải nhận thức được các giá trị của dân tộc, có tinh thần, trách nhiệm kế thừa và phát huy các giá trị đó. Theo đó, trẻ em phải có bổn phận yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Thứ hai: Tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế phù hợp với độ tuổi và từng giai đoạn phát triển của trẻ em.
Tuân thủ và chấp hành pháp luật là nghĩa vụ mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng phải thực hiện. Đất nước ngày càng phát triển và hội nhập, việc trẻ em Việt Nam giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế để học hỏi và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại là điều tất yếu, giao lưu hợp tác phù hợp với từng độ tuổi và từng giai đoạn sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của trẻ em. Do đó, trẻ em có bổn phận phải tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế phù hợp với độ tuổi và từng giai đoạn phát triển của mình.