Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Pháp luật quy định chi tiết các vấn đề về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Vậy nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em được quy định như thế nào?
Những quy định về nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Về nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em được quy định tại Điều 7 Luật trẻ em 2016 và được bổ sung sửa đổi theo Khoản 2 Điều 11 Luật số 28/2018/QH14 như sau:
+ Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoach kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
+ Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Theo đó, nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em từ ngân sách nhà nước, ngoài ra còn có từ ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.
+ Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm.
Công tác bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em là một cấu trúc được hình thành gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau nhằm bảo đảm việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em rộng rãi ở các cấp. Pháp luật tạo điều kiện, ưu tiên người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, hỗ trợ vận động nguồn lực cho trẻ em có ít điều kiện phát triển tại thôn, làng,ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm.