Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có những diễn biến khó lường trên phạm vi cả nước, đáng chú ý, số bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng nặng do mắc SXH cũng gia tăng đột biến.
Chăm sóc và điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH đang có xu hướng gia tăng và hiện có ở hơn 100 quốc gia, hàng năm ước tính có khoảng 100 – 400 triệu người mắc bệnh. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 đến 300.000 người mắc bệnh, khoảng trên 100 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 46.000 ca mắc, 11 trường hợp tử vong tại hầu hết các tỉnh, thành phía Nam.
Tại Hà Nội, SXH là bệnh lưu hành hàng năm, thời gian gần đây trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 14.000 trường hợp mắc. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc, số ca mắc tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận 120 trẻ mắc SXH đến khám và điều trị. Trong đó, có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, trẻ nhập viện điều trị SXH rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào tử vong.
Một trong những bệnh nhân nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) là bé trai V.H. (8 tuổi, ở Hà Nội). Trẻ có tiền sử đã mắc SXH lần 1 cách đây 4 năm. Ngày 16/7/2023, trẻ xuất hiện tình trạng sốt cao 39-40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương khám và nhập viện điều trị. Thời điểm nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, có chấm SXH vùng mặt, nhưng sau đó xuất hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, men gan tăng… các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho trẻ theo phác đồ của Bộ Y tế về SXH Dengue nặng. Hiện tại, sau khi điều trị, trẻ đã ổn định và được ra viện sau 10 ngày điều trị.
Còn bệnh nhi T.P. (11 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện vì SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, trước đó trẻ cũng đã từng mắc SXH. Trẻ nhập viện ngày thứ 5 của bệnh với các biểu hiện: Đau bụng, sốt từng cơn, kèm nôn nhiều lần, ăn uống kém đã điều trị tại bệnh viện gần nhà nhưng không đỡ.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: Dịch SXH gia tăng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, theo đó dịch gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam. Sự biến đổi của thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Mặt khác, do lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH bùng phát. Các hoạt động phòng, chống dịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch, đánh giá nhẹ tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh.
Bà Hà nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch SXH, vì ai cũng có thể mắc SXH từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên… SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị SXH nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh. Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra, do đó, dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo...