ANTD.VN - Đã có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư mini và sau mỗi lần xảy ra sự cố, nguy cơ cháy chỉ “nóng” một thời gian rồi lại lắng xuống. Cư dân chung cư mini lo cũng chỉ để mà lo; còn với cơ quan chức năng, việc tìm giải pháp hữu hiệu để quản lý, đặc biệt phòng ngừa cháy, nổ đối với loại hình công trình này vẫn là thách thức lớn.
Tự đẩy mình vào thế khó
“Những tưởng các quy định xử lý đình chỉ hoạt động là biện pháp mạnh nhất đối với công trình vi phạm. Nhưng đình chỉ thì người dân sẽ đi đâu và ở đâu? Bởi vậy mới dẫn đến thực trạng vi phạm chồng vi phạm. Cái gốc của vấn đề là phải ngăn chặn ngay từ đầu, chứ khi người dân đã dọn về ở thì việc giải quyết thực sự khó khăn”, một chuyên gia PCCC và CNCH nhìn nhận.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang có hàng loạt chung cư mini bị đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định an toàn PCCC. Thế nhưng, không chỉ những công trình vi phạm đó không dừng hoạt động, mà các công trình tương tự vẫn đều đặn “mọc” lên. Muốn giải quyết nỗi lo hỏa hoạn tại các chung cư mini, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan chức năng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành từ khâu cấp phép xây dựng đến khâu giám sát thi công công trình và sự giám sát của chính cộng đồng dân cư.
Kết quả rà soát, kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng tại các địa bàn có nhiều công trình chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông… cho thấy đa phần các cơ sở xây dựng sai so với giấy phép, chuyển đổi công năng và tính chất hoạt động (như vượt quá số tầng hoặc chiều cao cho phép, chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ thành nhà nhiều hộ).
Với kiểu kiến trúc rất dễ nhận ra của chung cư mini, nhưng lại chỉ có thể cấp phép xây dựng theo diện nhà hộ dân như hiện nay, đã cho thấy sự bất cập trong khâu phân loại, đánh giá, quản lý công trình xây dựng. Vi phạm không chỉ khi hoàn thành, mà nhận thấy ngay cả khi xây thô. Nếu như công tác cấp phép, quản lý làm chặt ngay từ ban đầu, thì đến nay, chúng ta không phải loay hoay tìm cách xử lý, không phải đau đầu tìm biện pháp khắc phục an toàn PCCC.
Không thể phạt cho tồn tại
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội có gần 80 nhà cho thuê cao tầng dạng chung cư mini. Công trình nhỏ thì có 25 hộ dân, công trình lớn có đến hàng trăm hộ dân sinh sống. Hầu hết các công trình này đều vi phạm quy định an toàn về PCCC và CNCH, đã bị đình chỉ hoạt động. Các chung cư mini nói trên chủ yếu được xây dựng từ năm 2010 đến 2016; trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư xin cấp giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, do đó lực lượng PCCC, theo quy định pháp luật, không tiến hành kiểm tra để phát hiện, kiến nghị thực hiện các yêu cầu về PCCC.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không xây dựng theo hồ sơ cấp phép, tự ý chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở riêng lẻ thành nhà ở nhiều hộ gia đình. Trong quá trình thi công, xây dựng luôn tìm cách trốn tránh việc hướng dẫn kiểm tra của cơ quan chức năng nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, tại các chung cư mini sau khi hoàn thiện công trình, chủ đầu tư đã bán và bàn giao hết các căn hộ cho người dân, thoái thác trách nhiệm đối với các tồn tại, vi phạm về PCCC. Một thực tế khác, là các chung cư mini hiện nay chủ yếu là tự quản, do không có ban quản trị, nên không có người đại diện theo quy định của pháp luật, dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý về PCCC.
Khảo sát nhanh cho thấy, phổ biến tình trạng chủ đầu tư công trình chung cư mini làm đối phó, chiếu lệ, qua loa, trang bị phương tiện PCCC và CNCH. Phần lớn chỉ dừng lại ở việc trang bị các bình chữa cháy xách tay nhưng chưa đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước trong nhà, ngoài nhà… nhiều nơi không hề có...
Thực tế, các chung cư mini đều không có nguồn kinh phí để đầu tư cho hoạt động PCCC cũng như kinh phí trang bị, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC. Và đó là lý do hiện nay những công trình này khó quản lý hơn, thực hiện yêu cầu khắc phục tồn tại PCCC cũng nan giải hơn, bởi chủ đầu tư đã bán, chuyển nhượng qua tay nhiều người. Chưa kể, việc đầu tư, cải tạo, lắp đặt thiết bị, hệ thống PCCC cho loại công trình này khó thực hiện bởi chi phí lớn. Cùng với đó, diện tích xây dựng đã được khai thác triệt để, nên muốn khắc phục tồn tại để được thẩm duyệt nghiệm thu cũng không thể thi công được.
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng CAQ Thanh Xuân băn khoăn: “Chung cư mini đều xây dựng trong các ngõ, ngách nhỏ nằm sâu trong khu dân cư, đường giao thông xung quanh nhỏ, hẹp, dẫn đến khi xảy ra cháy nổ, xe chữa cháy, xe thang gặp khó khăn để tiếp cận, triển khai hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đã vậy các cơ sở không bố trí nguồn nước phục vụ chữa cháy”.
Thực trạng, tồn tại về an toàn PCCC của chung cư mini đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng thực tế cho thấy, phòng ngừa cháy, nổ đối với loại hình công trình này vẫn là thách thức lớn.