SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
|
|
PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRONG CƠ SỞ
GIÁO DỤC MẦM NON
Phòng Giáo dục Mầm non
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
I. MỤC TIÊU
Sau khi tập huấn, học viên nắm được:
1. Kiến thức
- Học viên hiểu rõ về Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) theo hướng tiếp cận mục tiêu.
- Hiểu các nội dung cần đổi mới trong công tác quản lý, thực hiện phát triển chương trình giáo dục (GD) tại các cơ sở GDMN.
- Nắm được các bước phát triển chương trình GD trong cơ sở GDMN và cách thực hiện.
2. Kỹ năng
Học viên cụ thể hoá được chương trình GD quốc gia, thành chương trình GD cơ sở phù hợp với thực tiễn của cơ sở GDMN và triển khai thực hiện hiệu quả tại nhóm lớp.
3. Thái độ
Học viên có tinh thần học tập nghiêm túc, cầu thị, tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện phát triển chương trình GD nhà trường và sẵn sàng chia sẻ hiểu biết của mình với đồng nghiệp.
II. Nội dung chính
- Đánh giá thực trạng việc thực hiện phát triển chương trình GD trong các cơ sở GDMN.
- Một số vấn đề chung về chương trình GDMN.
- Phát triển chương trình GD trong cơ sở GDMN.
- Thực hành phát triển chương trình GD trong cơ sở GDMN
III. CHUẨN BỊ
1. Dành cho báo cáo viên
- Máy chiếu, bài giảng.
- Giấy A0, bút dạ màu, kéo.
2. Học viên
- Tài liệu bản Photo.
- 01 quyển chương trình GDMN hiện hành.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN
1. Đối tượng: Cán bộ quản lý (CBQL) phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận, huyện, thị xã phụ trách cấp học mầm non; CBQL, giáo viên (GV) dạy các độ tuổi trong cơ sở GDMN (theo công văn triệu tập).
2. Thời gian: 01 ngày
V. NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Đánh giá thực trạng việc thực hiện và phát triển chương trình GD trong các cơ sở GDMN hiện nay
1.1. Ưu điểm
- Chương trình GDMN là chương trình khung, mở, định hướng chung về mục tiêu, kết quả mong đợi, những yêu cầu về các nội dung cơ bản, cốt lõi và có tính linh hoạt, mềm dẻo, cho phép các cơ sở GDMN cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ và đặc điểm văn hóa của vùng miền.
- Đa số CBQL, GV hiểu Chương trình GDMN, xây dựng kế hoạch, phát triển chương trình GD và triển khai theo từng độ tuổi. Giáo viên đã linh hoạt thực hiện phát triển chương trình, đổi mới hình thức, phương pháp, tổ chức hoạt động, đánh giá trẻ…đặc biệt là các trường mầm non chất lượng cao.
1.2. Khó khăn, hạn chế
- Khả năng đọc, hiểu Chương trình GDMN, năng lực phát triển chương trình và khả năng nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật các nội dung mới của một số CBQL, GV còn hạn chế.
- Kế hoạch giáo dục, kế hoạch tháng/chủ đề của các nhà trường về cơ bản còn giống nhau trong cùng một khối, có một số đề tài không phù hợp thực tiễn, chưa thực sự lấy trẻ làm trung tâm. Tổ chức hoạt động chủ yếu tập trung cung cấp kiến thức cho trẻ.
- Thiết kế, xây dựng môi trường chưa hướng đến lấy trẻ làm trung tâm, mục đích giúp trẻ hoạt động/lĩnh hội hướng đến mục tiêu gì.
- Phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động chưa mạnh dạn đổi mới, sáng tạo còn mang tính áp đặt. Ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến chưa phù hợp.
- Khai thác sử dụng đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu, tận dụng sản phẩm của trẻ để tổ chức các hoạt động chưa hiệu quả.
- Đánh giá trẻ ở một số cơ sở vẫn mang tính hình thức, kỹ năng quan sát, hiểu trẻ để đánh giá ở nhiều giáo viên còn hạn chế.
- Công tác quản lý thực hiện chương trình ở các cấp quản lý còn cứng nhắc; nặng về quản lý hồ sơ hành chính, chưa thật sự khuyến khích đội ngũ CBQL, GV đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Nguyên nhân
- Một số bộ phận CBQL, GV nhận thức về Chương trình GDMN chưa đầy đủ, chưa nắm bắt được quan điểm đổi mới về GDMN.
- Phát triển Chương trình GD tại cơ sở GDMN: đội ngũ chưa nắm vững quan điểm, mục đích, nguyên tắc, các căn cứ, thế mạnh của cơ sở GDMN và địa phương. Làm theo kinh nghiệm cá nhân hoặc sao chép học tập từ các đồng nghiệp một cách máy móc không hiểu bản chất.
- Chưa có chương trình GD riêng của mỗi cơ sở GDMN.
- Nhiều GV chưa nắm vững đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ do đó lựa chọn các đề tài/ hoạt động không phù hợp với độ tuổi, chưa gắn với cuộc sống thực của trẻ. Chưa hiểu việc hình thành kiến thức, kỹ năng cho trẻ để đạt được mục tiêu phải là một quá trình thông qua nhiều hoạt động trong ngày, không chỉ tập trung ở hoạt động học.
- Tham mưu và đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình ở nhiều cơ sở GDMN chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Một số vấn đề chung về chương trình GDMN
2.1. Chương trình GDMN quy định: Khoản 1, Điều 25, Luật GD, 2019
Chương trình GDMN phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Thể hiện mục tiêu GDMN;
b) Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em;
c) Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở GDMN.
2.2. Một số vấn đề chung về chương trình GDMN
(Chương trình được ban hành theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ GDĐT Thông tư ban hành chương trình GDMN).
* Mục tiêu của GDMN
Mục tiêu của GDMN là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
* Quan điểm xây dựng chương trình GDMN
1. Chương trình GDMN là chương trình khung, có tính chất mở, thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp GDMN và đánh giá sự phát triển của trẻ, làm căn cứ cho việc quản lí, chỉ đạo và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở tất cả các cơ sở GDMN trên phạm vi cả nước; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống và từng cơ sở GDMN.
Chương trình GDMN được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, có kế thừa những ưu việt của Chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ trước đây, được phát triển trên quan điểm bảo đảm đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển.
2. Chương trình GDMN bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo với nhau, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.
3. Chương trình quy định những nội dung giáo dục áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở GDMN, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ em mầm non và điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN.
* Sự khác nhau giữa quan điểm tiếp cận mục tiêu và tiếp cận nội dung
Tiếp cận nội dung
|
Tiếp cận mục tiêu
|
Chú trọng hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ; mục tiêu dạy học được mô tả không chi tiết và khó có thể quan sát, đánh giá được.
- Lấy mục tiêu học là để hiểu.
- Nội dung chương trình có sẵn quy định chi tiết, trình bày liền mạch thành hệ thống kiến thức nên không tạo điều kiện cho giáo viên cập nhật các nội dung mới.
- Giáo viên thực hiện phương pháp, hình thức, tổ chức hoạt động, xây dựng môi trường…dựa trên nội dung chương trình quy định do đó ít sáng tạo và cập nhật các nội dung mới.
- Trẻ tiếp thu những kiến thức được quy định sẵn nên có phần “thụ động”.
- Điều kiện thực hiện chương trình dựa trên Nội dung chương trình quy định.
|
-Chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực thông qua việc hình thành kiến thức, kỹ năng; Kiến thức trẻ có được là khả năng áp dụng vào thực tiễn, trẻ năng động, tự tin.
- Lấy mục tiêu học là để sống, để biết làm.
- Mục tiêu giáo dục/ kết quả mong đợi được mô tả chi tiết có thể quan sát, đánh giá được. Dựa trên mục tiêu chương trình, cán bộ quản lý/giáo viên đưa ra các quyết định trong việc lựa chọn nội dung giáo dục (chủ đề, dự án, hoạt động...) bao gồm cả trong và ngoài chương trình phù hợp, phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức và cách thức đánh giá kết quả trên trẻ để đạt được mục tiêu đề ra.
- Điều kiện thực hiện chương trình dựa trên Mục tiêu chương trình quy định.
|
* Hướng dẫn thực hiện chương trình (được quy định trong Phần bốn, tài liệu chương trình (ban hành theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ GDĐT Thông tư ban hành chương trình GDMN).
1. Căn cứ vào Chương trình GDMN do Bộ GDĐT ban hành, các sở GDĐT, phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch năm học, tổ chức thực hiện; phát triển chương trình GDMN phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ.
2. Trên cơ sở Chương trình GDMN, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhóm/lớp, khả năng của cá nhân trẻ và điều kiện thực tế của địa phương.
3. Nội dung của các lĩnh vực giáo dục chủ yếu được tổ chức thực hiện theo hướng tích hợp và tích hợp theo các chủ đề gần gũi thông qua các hoạt động đa dạng, thích hợp với trẻ và điều kiện thực tế của địa phương.
Ngoài những nội dung quy định tại mục C Phần hai Chương trình giáo dục nhà trẻ và mục C Phần ba Chương trình giáo dục mẫu giáo, các cơ sở GDMN có thể lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục như: cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung giáo dục khác phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDMN, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN, khả năng và nhu cầu của trẻ, theo quy định của pháp luật để phát triển chương trình giáo dục nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục bổ sung theo quy định của Bộ GDĐT.
4. Theo dõi, đánh giá thường xuyên sự phát triển của trẻ và xem xét các mục tiêu của chương trình, kết quả mong đợi để có kế hoạch tổ chức hướng dẫn hoạt động phù hợp với sự phát triển của cá nhân trẻ và của nhóm/lớp.
5. Phát hiện và tạo điều kiện phát triển năng khiếu của trẻ; phát hiện sớm trẻ có khó khăn trong phát triển, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
6. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở GDMN với gia đình và cộng đồng để chăm sóc giáo dục trẻ tốt nhất.
VD. Mục tiêu chung của độ tuổi và kết quả mong đợi lĩnh vực phát triển nhận thức
* Lứa tuổi Nhà trẻ
Mục tiêu :
- Thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.
- Có sự nhạy cảm của các giác quan.
- Có khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ và diễn đạt hiểu biết bằng những câu nói đơn giản.
- Có một số hiểu biết ban đầu về bản thân và các sự vật, hiện tượng gần gũi quen thuộc.
Kết quả mong đợi
12 – 18 tháng
|
18 – 24 tháng
|
24 – 36 tháng
|
Khám phá thế giới xung quanh bằng các giác quan
|
12. Sờ nắn, nhìn, nghe.. để nhận biết đặc điểm nổi bật của đối tượng
|
15. Sờ nắn, nhìn, nghe.. để nhận biết đặc điểm nổi bật của đối tượng
|
16. Sờ, nắn, nhìn, nghe, ngửi, nếm để nhận biết đặc điểm nổi bật của đối tượng
|
Thể hiện sự hiểu biết về các sự vật, hiện tượng gần gũi bằng cử chỉ lời nói
|
15. Chỉ vào hoặc nói tên một vài bộ phận cơ thể của người khi được hỏi.
|
18. Chỉ vào hoặc nói tên một vài bộ phận cơ thể của người khi được hỏi.
|
19. Nói đựợc tên của bản thân và những người gần gũi khi được hỏi. Nói đựợc tên và chức năng của 1 số bộ phận cơ thể khi được hỏi.
|
16. Chỉ / lấy / nói tên đồ dùng, đồ chơi, hoa quả, con vật, quen thuộc theo yêu cầu của người lớn.
|
19. Chỉ / lấy / nói tên đồ dùng, đồ chơi, hoa quả, bánh kẹo, con vật, quen thuộc theo yêu cầu của người lớn.
|
20. Nói đựợc tên và một vài đặc điểm nổi bật của các đồ vật, hoa quả, con vật
|
|
20. Chỉ / nói tên 1 số loại phuơng tiện giao thông quen thuộc theo yêu cầu của người lớn.
|
21. Gọi tên 1 số nhạc cụ gần gũi.
|
|
21. Chơi các trò chơi với nước có sự giúp đỡ của người lớn
|
22. Chơi các trò chơi với cát và nước có sự hỗ trợ của người lớn
|
17. Chỉ hoặc lấy được đồ chơi có màu đỏ hoặc xanh theo yêu cầu hoặc gợi ý của người lớn
|
22. Chỉ hoặc lấy được đồ chơi có màu đỏ hoặc xanh; theo yêu cầu hoặc gợi ý của người lớn.
|
23. Chỉ, nói tên, lấy hoặc cất đúng đồ chơi màu đỏ/ vàng/ xanh và một số màu khác theo yêu cầu.
|
|
23.Chỉ hoặc lấy đồ chơi có kích thước to/ nhỏ theo yêu cầu hoặc gợi ý của người lớn.
|
24. Chỉ hoặc lấy hoặc cất đúng đồ chơi có kích thước to/ nhỏ, nặng nhẹ theo yêu cầu.
|
|
|
25. Bước đầu biết định hướng không gian: Trên - dưới, trước-sau; nhận biết hình dạng vuông - tròn.
|
VD. Nội dung, hoạt động trong và ngoài chương trình
Mục tiêu
|
Nội dung
|
Hoạt động
|
1. Nhà trẻ
|
|
|
23. Chỉ, nói tên, lấy hoặc cất đúng đồ chơi màu đỏ/ vàng/ xanh và một số màu khác theo yêu cầu.
|
Những sắc màu
lấp lánh
(7 tuần)
- Màu sắc xanh - đỏ -vàng
- Màu sắc xung quanh theo khả năng của trẻ
|
- Nhận biết màu sắc (Xanh - đỏ -vàng)
- Nhận biết sắc màu xung quanh bé theo khả năng của trẻ
+ Chọn những đồ vật có màu xanh, đỏ, vàng; những màu bé yêu thích
+ Dùng màu bé thích để tô, vẽ
+ TC: Chơi phun màu theo ý thích, in màu nước, pha màu, xâu hoa màu, lồng hạt màu, xếp hình màu, thả bóng vào ô cùng màu, Vặn nút chai màu, ghép hình màu, nối hình màu, đi vào các ô màu, gắp quả bông, Nhảy trên các ô màu, lăng kính sắc màu, cho 2-3 màu vào túi nilongdùng tay xoa …
|
* Lứa tuổi Mẫu giáo
Mục tiêu
- Ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng xung quanh.
- Có khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định.
- Có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề đơn giản theo những cách khác nhau.
- Có khả năng diễn đạt sự hiểu biết bằng các cách khác nhau (bằng hành động, hình ảnh, lời nói...) với ngôn ngữ nói là chủ yếu.
- Có một số hiểu biết ban đầu về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh và một số khái niệm sơ đẳng về toán.
Kết quả mong đợi
3-4 tuổi
|
4-5 tuổi
|
5-6 tuổi
|
* Khám phá khoa học
|
Xem xét và tìm hiểu đặc điểm của các sự vật, hiện tượng
|
19. Quan tâm, hứng thú với các sự vật, hiện tượng gần gũi, như chăm chú quan sát sự vật, hiện tượng; hay đặt câu hỏi về đối tượng.
|
20. Quan tâm đến những thay đổi của sự vật, hiện tượng xung quanh với sự gợi ý, hướng dẫn của cô giáo như đặt câu hỏi về những thay đổi của sự vật, hiện tượng: “Vì sao cây lại héo?”; “ Vì sao lá cây bị ướt?”....
|
21. Tò mò tìm tòi, khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh như đặt câu hỏi về sự vật, hiện tượng: “Tại sao có mưa?”...
|
20. Sử dụng các giác quan để xem xét, tìm hiểu đối tượng: nhìn, nghe, ngửi, sờ,.. để nhận ra đặc điểm nổi bật của đối tượng.
|
21. Phối hợp các giác quan để xem xét sự vật, hiện tượng như kết hợp nhìn, sờ, ngửi, nếm... để tìm hiểu đặc điểm của đối tượng.
|
22. Phối hợp các giác quan để quan sát, xem xét và thảo luận về sự vật, hiện tượng như sử dụng các giác quan khác nhau để xem xét lá, hoa, quả...và thảo luận về đặc điểm của đối tượng.
|
21. Làm thử nghiệm đơn giản với sự giúp đỡ của người lớn để quan sát, tìm hiểu đối tượng. Ví dụ: Thả các vật vào nước để nhận biết vật chìm hay nổi.
|
22. Làm thử nghiệm và sử dụng công cụ đơn giản để quan sát, so sánh, dự đoán. Ví dụ: Pha màu/ đường/muối vào nước, dự đoán, quan sát, so sánh.
|
23. Làm thử nghiệm và sử dụng công cụ đơn giản để quan sát, so sánh, dự đoán, nhận xét và thảo luận. Ví dụ: Thử nghiệm gieo hạt/ trồng cây được tưới nước và không tưới, theo dõi và so sánh sự phát triển.
|
22. Thu thập thông tin về đối tượng bằng nhiều cách khác nhau có sự gợi mở của cô giáo như xem sách, tranh ảnh và trò chuyện về đối tượng.
|
23. Thu thập thông tin về đối tượng bằng nhiều cách khác nhau: xem sách, tranh ảnh, nhận xét và trò chuyện.
|
24. Thu thập thông tin về đối tượng bằng nhiều cách khác nhau: xem sách, tranh ảnh, băng hình, trò chuyện và thảo luận.
|
23. Phân loại các đối tượng theo một dấu hiệu nổi bật.
|
24. Phân loại các đối tượng theo một hoặc hai dấu hiệu.
|
25. Phân loại đối tượng theo những dấu hiệu khác nhau.
|
Nhận biết mối quan hệ đơn giản của sự vật, hiện tượng và giải quyết vấn đề đơn giản
|
24. Nhận ra một vài mối quan hệ đơn giản của sự vật, hiện tượng quen thuộc khi được hỏi.
|
25. Nhận xét được một số mối quan hệ đơn giản của sự vật, hiện tượng gần gũi. Ví dụ: “Cho thêm đường/ muối nên nước ngọt/mặn hơn”
|
26. Nhận xét được mối quan hệ đơn giản của sự vật, hiện tượng. Ví dụ: “Nắp cốc có những giọt nước do nước nóng bốc hơi”
|
|
26. Sử dụng cách thức thích hợp để giải quyết vấn đề đơn giản. Ví dụ: Làm cho ván dốc hơn để ô tô đồ chơi chạy nhanh hơn.
|
27. Giải quyết vấn đề đơn giản bằng các cách khác nhau.
|
Thể hiện hiểu biết về đối tượng bằng các cách khác nhau
|
25. Mô tả những dấu hiệu nổi bật của đối tượng được quan sát với sự gợi mở của cô giáo.
|
27. Nhận xét, trò chuyện về đặc điểm, sự khác nhau, giống nhau của các đối tượng được quan sát.
|
28. Nhận xét, thảo luận về đặc điểm, sự khác nhau, giống nhau của các đối tượng được quan sát.
|
26. Thể hiện một số điều quan sát được qua các hoạt động chơi, âm nhạc, tạo hình...
|
28. Thể hiện một số hiểu biết về đối tượng qua hoạt động chơi, âm nhạc và tạo hình...
|
29. Thể hiện hiểu biết về đối tượng qua hoạt động chơi, âm nhạc và tạo hình...
|
VD. Nội dung, hoạt động trong và ngoài chương trình
Mục tiêu
|
Nội dung
|
Hoạt động
|
2. Mẫu giáo lớn
|
|
|
22. Phối hợp các giác quan để quan sát, xem xét và thảo luận về sự vật, hiện tượng như sử dụng các giác quan khác nhau để xem xét lá, hoa, quả...và thảo luận về đặc điểm của đối tượng.
23. Làm thử nghiệm và sử dụng công cụ đơn giản để quan sát, so sánh, dự đoán, nhận xét và thảo luận. Ví dụ: Thử nghiệm gieo hạt/ trồng cây được tưới nước và không tưới, theo dõi và so sánh sự phát triển.
|
Thế giới thực vật
(6 tuần)
- Sự tồn tại của thực vật trên trái đất
- Mối quan hệ của thực vật đối với môi trường sống
- Giá trị của thực vật đối với cuộc sống và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc.
|
- Xem clip/nghe đọc sách sự phát triển của cây, hoa, quả; cách cây, hoa, quả phát tán trong tự nhiên; các thao tác gieo hạt, củ, chiết cành, làm biểu đồ về các bộ phận của cây và cách hoạt động. Thực hành gieo trồng, ghi nhật kí, nêu kết quả; sắp xếp trình tự cây lớn lên. Làm sách.
- Phân loại cây theo nơi sống, nhận xét ảnh hưởng của nơi sống đến cấu tạo cây; thí nghiệm các điều kiện sống của cây; xem clip ảnh hưởng của tự nhiên tới cây cối.
- Nghe bài hát về bảo vệ môi trường và vẽ lại. Đóng kịch, làm bài tập gạch hành vi sai, vẽ tranh. Tập sáng tác các đoạn thơ ngắn tuyên truyền chăm sóc- bảo vệ cây xanh.
- Vẽ sơ đồ tư duy logic mối liên kết giữa con người, con vật và thực vật.
- Tổ chức cuộc thi diễn giả nhí về bảo vệ môi trường, có sự hỗ trợ từ cha mẹ trẻ. Làm một số khẩu hiệu, slogan bảo vệ cây xanh, bảo vệ trái đất...
- Chơi lô tô, Đôminô phân loại cây, lá, hoa, quả..; lập biểu đồ về các nhóm cây theo các dấu hiệu khác nhau; so sánh tìm điểm giống và khác của các cây trong cùng nhóm.
|
* Làm quen với toán
|
Nhận biết số đếm, số lượng
|
37. Đếm trên đối tượng trong phạm vi 20 và đếm theo khả năng. Đếm xuôi, đếm ngược trong phạm vi 20; Đếm chẵn, đếm lẻ; Đếm cách 5,10. Nhận biết trật tự dãy số từ 0-10 và tiếp theo theo khả năng
|
|
* Đếm các vật riêng lẻ khác nhau (đến 20 và theo khả năng): đếm tiếng sỏi rơi; đếm các nhóm đồ dùng đồ chơi; đếm trên khung 20; đếm trên thẻ bài (tú lơ khơ); bật lá và đếm; đếm bolling đổ; đếm bước chân, số lần tâng bóng, số cánh hoa...
* Đếm ngược trong phạm vi 20, đếm xuôi - ngược từ số bất kỳ: đếm trên khung 20; đếm vật đặt sẵn hàng ngang/ cong/ chéo, tạo nhóm và đếm; đếm âm thanh (vận động) to, nhỏ/ chậm, nhanh; tạo nhóm âm thanh (vận động) và đếm, nêu kết quả bằng lời/ bằng số vật/ bằng âm thanh (vận động) tương ứng; Đếm vòng quanh (tiến/ lùi/ số bất kỳ).
* Nhận dạng gọi tên số từ 0-10; Số có 2 chữ số đến 20 và theo khả năng, số tròn chục: gọi tên số; đọc số trên lốc lịch, trong dãy số; đếm vòng quanh (theo thứ tự); tô số; nối số; nặn số; đoán số bị che một phần;
* Nhận biết trật tự dãy số 0- 10 và tiếp theo khả năng: gọi tên số cho trước, giơ thẻ số tiếp theo, đọc hoặc giơ lần lượt các số tiếp theo cho đến hết; gắn số vào dây; xếp 5 thẻ số bất kỳ theo thứ tự tăng/giảm; đặt câu hỏi để đoán số chưa biết (liền trước/sau, giữa).
|
3. Phát triển chương trình GD trong cơ sở GDMN
3.1. Phát triển chương trình GD trong cơ sở GDMN là quá trình cơ sở GDMN cụ thể hóa Chương trình GDMN cấp quốc gia do Bộ GDĐT ban hành để trở thành chương trình giáo dục nhà trường, phù hợp với thực tiễn của cơ sở GDMN.
3.2. Sự cần thiết phát triển chương trình GD trong các cơ sở GDMN
- Chương trình khung - chung cả quốc gia.
- Chương trình riêng của cơ sở GDMN - cụ thể phù hợp với thực tiễn (điều kiện của từng cơ sở GDMN, từng vùng miền). Để tạo ra thương hiệu của mỗi cơ sở GDMN.
- Hiểu rõ chương trình - đích đến của cơ sở GD mình.
3.3. Nguyên tắc phát triển Chương trình giáo dục trong các cơ sở GDMN (gọi chung là chương trình GD nhà trường)
- Bám sát Khung Chương trình GDMN của Bộ GDĐT
- Đảm bảo mục tiêu giáo dục của Chương trình Giáo dục mầm non và sự phát triển toàn diện của trẻ em;
- Đảm bảo lấy trẻ làm trung tâm, tối đa hóa cơ hội học tập của trẻ.
- Phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, của cơ sở giáo dục, phù hợp với trẻ em. Nội dung không gây quá tải.
- Chương trình giáo dục của lớp được phát triển dựa trên Chương trình giáo dục của nhà trường.
- Thường xuyên cập nhật xu hướng và phương pháp giáo dục mới phù hợp, khả thi với điều kiện thực tế của trường/lớp và phát huy các nguồn lực của nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội.
3.4. Các cấp độ phát triển chương trình: 3 cấp độ
1). Phát triển chương trình giáo dục của địa phương
2). Phát triển chương trình giáo dục của cơ sở GDMN (riêng cho mỗi cơ sở)
3). Phát triển chương trình giáo dục của nhóm lớp
* Tuy nhiên với thành phố Hà Nội thực hiện ở 2 cấp độ: cấp độ 2 và 3
3.5. Những căn cứ Phát triển chương trình giáo dục nhà trường
- Chương trình khung do Bộ GDĐT ban hành: Mục tiêu, kết quả mong đợi.
- Kế hoạch phát triển nhà trường theo từng giai đoạn: Triết lý giáo dục của nhà trường; Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của nhà trường; Định hướng phát triển của nhà trường (Phương hướng, chiến lược); Các mục tiêu, giải pháp.
+ Tầm nhìn: Tầm nhìn là khả năng nhìn xa, hình dung một cách rõ ràng về hình ảnh tổng thể tương lai của nhà trường mong muốn đạt được. Tầm nhìn cần phải có những đặc điểm sau: rõ ràng, dễ hiểu, cụ thể, hấp dẫn, khả thi. VD
+ Xây dựng sứ mệnh là những nhiệm vụ mà nhà trường cam kết thực hiện, nhằm tạo ra giá trị đạt được tầm nhìn cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, đồng thời đáp ứng nhu cầu và mong muốn của cộng đồng, gia đình và xã hội.
Giá trị cốt lõi: Các giá trị cốt lõi nên tập trung vào việc khuyến khích sự phát triển đa chiều của trẻ, tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của trẻ em, thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo và xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, đáng tin cậy.
+ Xác định mục tiêu phát triển, các ưu tiên cần thực hiện trong thực hiện Chương trình GDMN → Xây dựng các giải pháp/chương trình hành động và lộ trình thực hiện → Tổ chức thực hiện hiệu quả.
- Đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên: trình độ, năng lực, tinh thần tự học tập bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn....
- Điều kiện cơ sở vật chất: Diện tích, khuôn viên, CSVC trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi để thực hiện phát triển chương trình trong nhà trường.
- Nhu cầu, năng lực (đặc điểm) của trẻ, của phụ huynh, gia đình, xu hướng phát triển của xã hội.
3.6. Đổi mới về nhận thức và triển khai thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường
3.6.1. Đổi mới nhận thức của đội ngũ CBQL, giáo viên về việc quản lý và triển khai chương trình GD trong cơ sở GDMN
* Đổi mới nhận thức của CBQL Sở GDĐT, các phòng GDĐT
- Coi phát triển Chương trình giáo dục tại các cơ sở GDMN là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nên sự khác biệt trong mỗi cơ sở, đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục của từng địa phương.
- Hiểu rõ thực trạng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục của các cơ sở GDMN để tham mưu, chỉ đạo, định hướng các cơ sở phát triển chương trình giáo dục nhà trường đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tiễn (cơ sở vật chất, đội ngũ, khả năng của trẻ…).
- Giao quyền chủ động, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở GDMN phát triển Chương trình giáo dục. Khuyến khích các cơ sở lựa chọn các phương pháp dạy học tiên tiến một cách linh hoạt, phù hợp nhằm đạt được tối đa mục tiêu giáo dục của mỗi cơ sở GDMN.
- Thay đổi quan điểm đánh giá việc thực hiện Chương trình, đánh giá chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên, trẻ tại các cơ sở GDMN.
* Đổi mới nhận thức của CBQL các cơ sở GDMN
- Tích cực, chủ động nghiên cứu hiểu rõ, nắm chắc quan điểm thực hiện chương trình, hiểu rõ mục tiêu (kết quả mong đợi) trong chương trình GDMN; hiểu rõ thực trạng của nhà trường (Văn hóa vùng miền, khả năng, nhu cầu hứng thú của trẻ, năng lực của đội ngũ, điều kiện CSVC…) để cùng BGH, phát triển chương trình GD nhà trường phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, của nhà trường.
- Xác định Chương trình giáo dục là pháp lệnh nhưng phải được cụ thể hóa và phát triển thành Chương trình giáo dục của nhà trường rõ: Sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, mục tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường. Chương trình giáo dục nhà trường phải được điều chỉnh hàng năm, thường xuyên.
- CBQL luôn đồng hành cùng tổ chuyên môn, cùng GV, NV trong việc xây dựng Chương trình GD nhà trường. Tôn trọng, lắng nghe và trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng, điều chỉnh KHGD phù hợp, hiệu quả.
- Tạo động lực và mọi điều kiện để GV, NV chủ động, sáng tạo khi triển khai Chương trình GD. Phát huy trí tuệ tập thể của tổ chuyên môn trong việc bồi dưỡng đội ngũ. Khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng, mạnh dạn trải nghiệm những ý tưởng mới, cách thức mới để từ đó đánh giá và điều chỉnh.
- Sắp xếp thời gian cho họp chuyên môn/lập kế hoạch khối phù hợp, hiệu quả.
- Kiểm tra, đánh giá GV, NV dựa trên kết quả đạt của mục tiêu thông qua các hoạt động và thể hiện trên trẻ.
- Nên bố trí giáo viên thực hiện chương trình của một khối trong ít nhất 3 năm.
* Đổi mới nhận thức của giáo viên
- Chủ động nghiên cứu, hiểu rõ, nắm chắc chương trình GDMN, quan điểm thực hiện chương trình, hiểu rõ mục tiêu (kết quả mong đợi) trong chương trình GDMN để xây dựng kế hoạch, được quyền triển khai thực hiện chương trình linh hoạt, sáng tạo phù hợp với khả năng nhận thức của giáo viên, nhu cầu hứng thú, năng lực của trẻ, điều kiện thực tế, của trường, của lớp theo độ tuổi được phân công.
- Hiểu rõ, xác định nội dung giáo dục trong chương trình GDMN không phải là nội dung cứng bắt buộc phải thực hiện 100%, có thể linh hoạt lựa chọn nội dung giáo dục khác phản ánh hơi thở của cuộc sống, thiết thực với nhu cầu tìm hiểu của trẻ nhằm đáp ứng mục tiêu, kết quả mong đợi theo độ tuổi. Coi nội dung giáo dục, chủ đề/dự án chỉ là một trong những phương thức giúp trẻ đạt được mục tiêu (KQMĐ).
- Thay mục đích giáo viên dạy trẻ biết gì (kiến thức) bằng việc tổ chức các hoạt động giúp trẻ hình thành các kỹ năng tự học, tự tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề thông qua chơi và trải nghiệm. Một nội dung giáo dục có thể được thực hiện lâu dài trong nhiều ngày hoặc nhiều thời điểm trong ngày chứ không phải diễn ra một lần, hoặc giải quyết xong trên một hoạt động học. Coi cơ hội học tập của trẻ luôn có ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào chứ không chỉ nằm trong hoạt động học có chủ đích.
- Coi trọng quá trình học của trẻ hơn là kết quả đạt được
3.6.2. Đổi mới quan điểm về xây dựng chương trình và cách lập kế hoạch giáo dục
Xây dựng Chương trình giáo dục riêng của mỗi cơ sở (Có thể bổ sung điều chỉnh hàng năm)
Ví dụ cụ thể chương trình GD của một nhà trường dưới phần hướng dẫn thực hành.
Xác định mục tiêu/kết quả mong đợi
Trên cơ sở ý kiến thực tiễn, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn và giáo viên xem xét các điều kiện thực hiện như: nhu cầu, khả năng của trẻ, chất lượng đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, xu hướng giáo dục của xã hội để đưa ra quyết định việc bổ sung, nâng cao mục tiêu, nội dung… ở lĩnh vực giáo dục nào hay tất cả các lĩnh vực? đảm bảo các mục tiêu có tính đồng tâm phát triển phù hợp với từng độ tuổi.
Xây dựng ngân hàng nội dung, hoạt động giáo dục
Hằng năm, Căn cứ vào mục tiêu (kết quả mong đợi), BGH cùng các tổ chuyên môn nghiên cứu để lựa chọn các nội dung, hoạt động giáo dục trong chương trình, có bổ sung một số nội dung giáo dục mới có ý nghĩa, gắn với thực tiễn cuộc sống xung quanh trẻ, thiết thực với nhu cầu tìm hiểu, khả năng của trẻ, của giáo viên, điều kiện thực hiện. Các nội dung, hoạt động được lựa chọn phải dựa trên/hoặc có sự liên kết với ND trong chương trình GDMN, mang lại cho trẻ hiểu biết mới, giá trị mới và những điều tốt đẹp (hiểu biết về kiến thức, kĩ năng, giá trị đạo đức và thái độ tích cực). Nội dung khai thác chủ đề/dự án không bị trùng lặp ở các độ tuổi, đảm bảo tính kế thừa và phát triển giữa các độ tuổi.
VD:
- Cùng nội dung giáo dục về bản thân: MG bé: Tôi là ai?; MG nhỡ: Tôi đã lớn khôn; MG lớn: Tôi và những người xung quanh tôi
- Với những mục tiêu trong Chương trình khung chưa thực sự phù hợp với nhu cầu hứng thú của trẻ đã được điều chỉnh như: Nội dung về Nghề nghiệp được lồng ghép nhẹ nhàng trong nghề nghiệp của bố, mẹ của bé trong dự án tình yêu thương (MG bé); Nghề nghiệp tạo ra các sản phẩm trong Dự án: SP sáng tạo từ chất liệu (MG nhỡ); Nghề truyền thống trong Chủ đề Việt Nam và bạn bè quốc tế (MG lớn)
- Với mục tiêu khó truyền tải tới trẻ do trẻ còn thiếu kinh nghiệm và cơ hội trải nghiệm như mục tiêu nhận biết về danh lam thắng cảnh thì được tích hợp và điều chỉnh một cách nhẹ nhàng và dễ tiếp cận như: Tích hợp vào các hoạt động thăm quan, trải nghiệm thực tế (MG bé); Chuyển tải trong chủ đề: Những chuyến đi (MG nhỡ); Mở rộng hiểu biết và giáo dục niềm tự hào về quê hương đất nước trong Chủ đề: Việt Nam và bạn bè quốc tế (MG lớn)
* Xây dựng kế hoạch giáo dục năm học các lớp (Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần dự kiến có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện tùy theo tình hình thực tế)
Xác định thời gian, thời điểm, hình thức thực hiện Chương trình/Kế hoạch GD
- Xây dựng khung thời gian thực hiện 35 tuần/năm học. Trong quá trình thực hiện giáo viên chủ động linh hoạt sử dụng phù hợp.
- Linh hoạt điều chỉnh chế độ sinh hoạt của trẻ trong khung giờ hoạt động học - hoạt động chơi phù hợp với số lượng trẻ, tiếp cận nhóm, cá nhân...
- Định hướng cho giáo viên chủ động tận dụng mọi thời điểm trong chế độ sinh hoạt một ngày, mọi không gian, khu vực, hoạt động, sự kiện... là cơ hội để tổ chức các hoạt động GD nhằm đạt mục tiêu kế hoạch.
* Xây dựng kế hoạch tháng/chủ đề
- Dựa trên dự kiến kế hoạch năm, giáo viên xây dựng kế hoạch tháng/chủ đề phù hợp với các điều kiện thực tế của lớp: Khả năng, nhu cầu của trẻ, năng lực, điều kiện cơ sở vật chất mà giáo viên có thể đáp ứng được.
- Thời gian triển khai của chủ đề ngắn hay dài tùy thuộc nhu cầu hứng thú và khả năng của trẻ. Có thể phát sinh các nội dung/dự án học tập nếu trẻ thực sự có nhu cầu tìm hiểu. Tuy nhiên cần xác định rất nhiều nội dung giáo dục được dạy trẻ không cần thông qua chủ đề/dự án học tập (GD thể chất, LQV Toán, LQCV...)
* Xây dựng kế hoạch hoạt động ngày
Kế hoạch hoạt động ngày là kế hoạch được cụ thể hóa bằng các hoạt động giáo dục thiết kế theo hướng lấy trẻ làm trung tâm trong các thời điểm trong tuần/ngày nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra và được điều chỉnh thường xuyên phù hợp với nhu cầu hứng thú, khả năng của trẻ (điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, điều kiện thực hiện) thông qua quá trình quan sát của giáo viên.
3.6.3. Đổi mới về xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động
* Môi trường tâm lý - xã hội (môi trường tinh thần có lợi cho học tập)
- Môi trường giáo dục cần phải tạo được cho trẻ cảm giác an toàn, được mời gọi và trẻ được làm chủ. Tạo không khí ngay từ khi trẻ bước chân vào lớp.
- Xây dựng mối quan hệ thân thiện, yêu thương, đoàn kết. Trẻ luôn cảm thấy được quan tâm, tin tưởng, tôn trọng, được lắng nghe, được chia sẻ/được ghi nhận, không có sự phân biệt đối xử, kì thị về đặc điểm bên ngoài, giới tính, dân tộc, văn hóa vùng miền.
- Tôn trọng sự khác biệt và tôn vinh sự độc đáo của mỗi trẻ. Chấp nhận trẻ và những lỗi lầm của trẻ.
- Vận dụng kỷ luật tích cực trong lớp học.
- Tạo cơ hội cho trẻ thành công.
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ trẻ, huy động được sự ủng hộ của cha mẹ trẻ và cộng đồng.
* Môi trường vật chất
Xây dựng môi trường vật chất theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Chú trọng các vấn đề sau:
- Mọi không gian trong nhà trường đều được khai thác sử dụng tối đa cho các hoạt động của trẻ trong ngày, tăng cường sử dụng sản phẩm của trẻ. Trẻ có thể cùng cô xây dựng môi trường theo sở thích của trẻ.
- Môi trường học tập luôn có sự linh hoạt và thuận tiện cho việc di chuyển của trẻ. Lớp học có không gian cho trẻ: Làm việc đôi, làm việc theo nhóm nhỏ, vòng tròn kết nối cả lớp, hoạt động bừa bãi, làm việc yên tĩnh độc lập và nơi thư giãn.
- Xây dựng môi trường, thiết kế các nội dung, hoạt động trong và ngoài lớp học cần bám sát mục tiêu năm, mục tiêu tháng/chủ đề của chương trình GD cơ sở GDMN đã xây dựng.
3.6.4. Đổi mới nội dung giáo dục
- Lựa chọn nội dung:
• Giáo viên có thể linh hoạt chọn những nội dung giáo dục/ đề tài mang tính mở, mới lạ nhưng gần gũi mang đến cho trẻ hứng thú, kích thích trẻ tham gia vào hoạt động.
• “Ít hơn là nhiều hơn”.
• Nội dung chủ đề khác nhau giữa các khối lớp.
• Nội dung mới cho các lĩnh vực:
- Giáo dục phát triển thể chất: các trò chơi về nhận thức không gian, trò chơi hợp tác, yoga, nhảy
- Giáo dục phát triển nhận thức: âm thanh, chất liệu, tình bạn, an toàn, môi trường, các chuyến đi.
- Giáo dục phát triển ngôn ngữ: trò chuyện buổi sáng, kể chuyện sáng tạo, đọc sách/ truyện, viết.
- Giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội: trò chuyện buổi sáng, giao lưu...
- Giáo dục phát triển thẩm mĩ: nhịp, tiết tấu, các nhạc sĩ, các yếu tố tạo hình (màu sắc, đường nét, hình dạng)...
3.6.5. Đổi mới phương pháp giáo dục
Dạy học truyền thống
|
Dạy học lấy trẻ làm trung tâm
|
- Giáo viên là trung tâm, truyền thụ kiến thức cho trẻ
|
- Trẻ là trung tâm. Giáo viên là người hỗ trợ, học cùng trẻ.
|
- GV dạy, nói, truyền thụ, “rót” kiến thức cho trẻ.
- Tri thức của trẻ có được chủ yếu là ghi nhớ
|
Trẻ được tạo nhiều hơn các cơ hội học qua trải nghiệm (trẻ học trong nhóm bạn bè, học từ bạn khác, người khác, học qua làm) -> trẻ tự rút ra kiến thức cho mình.
|
- Trẻ tiếp nhận thông tin một cách thụ động
|
- Trẻ chủ động tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau.
|
- Chú trọng đến kết quả
|
- Chú trọng đến quá trình hơn là kết quả học
|
- Tìm ra câu trả lời đúng
|
- Tìm ra cách giải quyết vấn đề
|
- Học để chuẩn bị cho lớp học sau
|
- Học suốt đời. Dần hình thành ở trẻ thói quen học với nghĩa là học hỏi, tìm tòi để học được điều mới, có thêm hiểu biết mới cho bản thân
|
- Ghi nhớ thông tin, dữ kiện
|
- Tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin. Áp dụng vào thực tế cuộc sống.
|
Đổi mới cách thức đặt câu hỏi đàm thoại: Hệ thống câu hỏi của giáo viên cần mang tính gợi mở, định hướng, luôn kích thích trẻ tư duy để tìm ra câu trả lời cho nội dung của bài học. Tùy vào từng độ tuổi mà cách đặt câu hỏi cũng khác nhau.
VD: Với trẻ bé giáo viên sử dụng những câu hỏi “ai’, “như thế nào”, “khi nào”, “cái gì” để trẻ diễn đạt, miêu tả lại; đối với trẻ lớn, ngoài những câu hỏi như trên, giáo viên cần sử dụng những câu hỏi để trẻ phải tư duy, suy luận như “tại sao”, “con đoán điều gì sẽ xảy ra”, “nếu... thì sẽ thế nào”. Khi đặt câu hỏi, giáo viên chú ý đến tính khái quát, không đặt những câu hỏi quá chi tiết, rườm rà, làm giảm hiệu quả giáo dục và mang lại sự mệt mỏi cho trẻ.
* Các từ đặt câu hỏi:
+ Cái gì? Dùng để hỏi về một việc, người, con vật, đồ vật cụ thể.
+ Cái nào? Được dùng để hỏi về lựa chọn, thay thế.
+ Ở đâu? Được dùng để hỏi về địa điểm, vị trí.
+ Ai? Được dùng để hỏi về người
+ Khi nào/Bao giờ? Được dùng để hỏi về thời gian, dịp, thời điểm
+ Của ai? Được dùng để hỏi về người sở hữu của một thứ gì đó
+ Tại sao? Được dùng để hỏi về lý do, giải thích.
+ Như thế nào? Được dùng để hỏi về điều kiện, chất lượng, cách thức, có thể, các sự kiện và các việc diễn ra.
* Lưu ý: Giáo viên cần luyện cách sử dụng các câu hỏi một cách thành thạo trước một/nhiều đối tượng, một sự việc, một tình huống, một vấn đề... từ đó dạy trẻ cách đặt câu hỏi và sử dụng câu hỏi thành thạo trong các hoạt động hàng ngày giúp trẻ phát triển tư duy
- Giáo viên dành thời gian lắng nghe, tôn trọng, ghi chép lại các suy nghĩ, ý tưởng của trẻ. Khuyến khích trẻ trải nghiệm ý tưởng của bản thân.
- Giáo viên linh hoạt vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến để thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, học qua chơi và trải nghiệm theo một số nguyên tắc sau thay vì sử dụng các phương pháp truyền thống:
+ Giáo viên/ hoặc trẻ nêu vấn đề, thu hút sự quan tâm, hứng thú của trẻ vào những vấn đề gần gũi, gắn với thực tế cuộc sống xung quanh trẻ.
+ Khơi gợi kinh nghiệm của trẻ về vấn đề cần tìm hiểu/giải quyết.
+ Tạo cơ hội, môi trường cho trẻ trải nghiệm (học qua chơi). GV quan sát, hỗ trợ nếu trẻ gặp khó khăn hoặc đề nghị giúp đỡ.
+ Khuyến khích trẻ tự tìm ra cách làm/cách giải quyết của riêng mình (thu thập thông tin, thử nghiệm, trải nghiệm ...). Có thể gợi ý trẻ so sánh với kinh nghiệm ban đầu trẻ có.
+ Trẻ hoặc giáo viên ghi chép lại kết quả trải nghiệm sau khi giải quyết vấn đề bằng các hình thức khác nhau: ghi chép (viết, vẽ, sơ đồ...), dùng lời nói, tạo ra sản phẩm, mô hình...
+ Thường xuyên cho trẻ nhìn lại/giải thích/phản biện/điều chỉnh suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề trong và sau quá trình trải nghiệm.
+ Khuyến khích, gợi ý, tạo cơ hội để trẻ vận dụng vấn đề vào cuộc sống phù hợp.
3.6.6. Đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục
- Thiết kế các hoạt động sao cho có nhiều cơ hội để trẻ có thể chia sẻ kinh nghiệm, học thông qua chơi, trải nghiệm, tự tìm ra cách giải quyết vấn đề. Kết hợp đa dạng, phù hợp các hình thức tổ chức nhằm khai thác tối đa cơ hội kích thích tư duy, khám phá, trải nghiệm của trẻ và phân hóa trẻ trong quá trình học như: xem tranh, video, đọc sách, trò chơi, thí nghiệm, thử nghiệm, bài tập...
- Dành đa phần thời gian tổ chức hoạt động để cá nhân, nhóm nhỏ trẻ được hoạt động chơi, trải nghiệm. Trao đổi với người lớn, sách báo, trải nghiệm thực tế, CNTT...
- Lựa chọn không gian tổ chức hoạt động: Không gian hoạt động không bó buộc ở trong lớp mà có thể thực hiện ở các địa điểm khác nhau, chỉ cần phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục. Sự thay đổi về môi trường, không gian học tập hay vui chơi, trải nghiệm sẽ mang lại cho trẻ những cảm xúc mới lạ, sự mong muốn được học tập và tích lũy các bài học cho bản thân.
- Đổi mới trong việc sử dụng đồ dùng dạy học: Không cần bỏ ra quá nhiều thời gian vào việc làm đồ dùng dạy học, giáo viên nên tận dụng đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu sẵn có tại lớp học, trường học... thành đồ dùng học tập thú vị và mới mẻ. Dùng chính những sản phẩm của trẻ để trang trí, tạo môi trường lớp học...
- Tổ chức các hoạt động, các chương trình tham quan, ngoại khóa: tham quan bảo tàng, trải nghiệm tại các trang trại giáo dục, trải nghiệm trồng cây tại vườn trường, hay thu hoạch trái cây...
3.6.7. Đổi mới về cách đánh giá
Đánh giá trẻ
Đối với đánh giá sự phát triển của trẻ, thay vì tập trung đánh giá theo mục tiêu chương trình đề ra cuối độ tuổi cần chú trọng tập trung vào năng lực mà trẻ đạt được. Cách đánh giá này quan tâm đến tiến trình để hỗ trợ và thúc đẩy năng lực nội tại cá nhân trẻ, khơi dậy sự phát triển tiềm ẩn bên trong mỗi trẻ - cũng là mục tiêu nhân văn mà giáo dục quốc tế đang triển khai. giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thì yếu tố cá nhân hóa chương trình dạy học và cá nhân hóa hoạt động đòi hỏi giáo viên nắm bắt được tiến trình và năng lực của trẻ. Bằng cách này thì giáo dục của chúng ta mới phát huy được tố chất, thúc đẩy mạnh mẽ sự lạc quan, xây dựng sự tự tin cho trẻ.
- Quan điểm: Chú trọng đánh giá quá trình hoạt động quan trọng hơn là đánh giá kết quả hoạt động. Đánh giá để điều chỉnh không phải để xếp loại.
+ Đánh giá trên sự tiến bộ của chính trẻ, không dùng kết quả đánh giá để so sánh trẻ này với trẻ khác để từ đó đưa ra yêu cầu phù hợp với từng cá nhân.
+ Trẻ có đạt được mục tiêu, kết quả mong trong Chương trình giáo dục nhà trường theo từng độ tuổi. Chủ động, tích cực trong tư duy, được phát triển các phẩm chất, năng lực phù hợp độ tuổi. Có khả năng giải quyết vấn đề, thích ứng và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống hàng ngày.
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình
- Chú trọng đánh giá quá trình triển khai các mục tiêu, kết quả mong đợi.
- Đánh giá quá trình điều chỉnh Chương trình giáo dục của lớp/trường phù hợp với tình hình thực tế.
- Đánh giá các điều kiện thực hiện chương trình và các giải pháp khắc phục, hỗ trợ quá trình thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục của lớp/trường nhằm nâng cao chất lượng CSGD trẻ.
3.6.8. Công tác phối kết hợp với CMHS và cộng đồng, công tác xã hội hóa trong phát triển chương trình nhà trường
- Công tác tuyên truyền:
+ Tận dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) để đăng tải các hình ảnh, hoạt động của nhóm lớp, sáng tạo đưa thông tin theo nhiều cách khác nhau (hình ảnh, nội dung) để thu hút sự chú ý, tìm hiểu của cha mẹ trẻ.
+ Viết “tâm thư” cho cha mẹ trẻ, các đơn vị, doanh nghiệp để hiểu hơn và ủng hộ cho các hoạt động của lớp.
+ Sáng tạo sắp xếp, trình bày nội dung trên bảng tuyên truyền để thu hút sự quan tâm của cha mẹ trẻ.
+ Đổi mới họp phụ huynh, thay vì thông tin một chiều giữa giáo viên và phụ huynh sẽ là các hoạt động chia sẻ, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng giữa hai bên, ở những nơi có điều kiện thay bằng họp phụ huynh cả lớp, giáo viên dành một ngày bố trí các khung giờ khác nhau để họp với từng phụ huynh.
- Công tác phối hợp:
+ Giáo viên sáng tạo khuyến khích cha mẹ trẻ, cộng đồng cùng tham gia vào quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
+ Hỗ trợ con tìm hiểu các thông tin theo yêu cầu của giáo viên; Khuyến khích cha mẹ trẻ tham gia vào quá trình giáo dục, trao đổi về phương pháp giáo dục mới; hướng dẫn HĐ thực hành của trẻ ở nhà để cha mẹ có thể áp dụng...;
- Tạo ra các hoạt động gắn kết cộng đồng: tăng cường sự tương tác và hỗ trợ giữa các thành viên trong cộng đồng. VD: Tổ chức ngày mở cửa lớp, ngày đi bộ, chạy bộ, cùng chung tay bảo vệ môi trường (trồng cây, nhặt rác)...
3.6.9. Các bước phát triển chương trình giáo dục trong cơ sở GDMN
Bước 1. Rà soát, đánh giá, thu thập dữ liệu
- Đầu năm học, BGH cùng tổ chuyên môn rà soát kết quả thực hiện MTGD của năm học trước thông qua kết quả đánh giá trẻ cuối giai đoạn; tính phù hợp, hiệu quả, khả thi của các nội dung, hoạt động giáo dục ở từng độ tuổi;
- BGH chỉ đạo các tổ CM, Giáo viên căn cứ vào kết quả đánh giá trẻ cuối độ tuổi, đối chiếu với mục tiêu giáo dục cuối độ tuổi/giai đoạn để xác định mức độ yêu cầu đối với từng mục tiêu cần điều chỉnh/bổ sung/ nâng cao phù hợp với từng độ tuổi
- Rà soát, đánh giá các nội dung giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức về tính phù hợp, khả thi, hiệu quả, có ý nghĩa với đối với cuộc sống và sự phát triển của trẻ.
- Đánh giá môi trường GD và điều kiện thực hiện đã có (môi trường, điều kiện thực hiện có đáp ứng việc thực hiện mục tiêu chương trình GD của cơ sở GDMN?...)
- Thu thập và đánh giá để xác định nhu cầu/kỳ vọng của CMHS và cộng đồng; những thách thức, xu hướng của xã hội/địa phương về mục tiêu/chất lượng giáo dục…
Từ đó chỉ ra:
- Cần hoàn thiện/nâng cao chất lượng hơn trong việc thực hiện nội dung/lĩnh vực nội dung nào đó trong chương trình - nguyên nhân của nó là gì?
- Những nội dung nào đã thực hiện tốt và chiếm tỷ lệ? cái nào khi thay đổi sẽ có rủi ro?
- Những cải tiến nào có thể thực hiện được trong thực tế?
Bước 2. Xây dựng chương trình giáo dục nhà trường
- Căn cứ vào kết quả rà soát, đánh giá, phân tích hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục của năm học trước, BGH cùng các tổ chuyên môn thống nhất đưa ra định hướng mới hoặc điều chỉnh định hướng mục tiêu phát triển nhà trường, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
- Xây dựng 01 chương trình GD riêng của cơ sở mình. Bao gồm: Chương trình GDMN hiện hành (Chương trình của Bộ GDĐT) và Nội dung điều chỉnh, bổ sung của cơ sở phù hợp với cơ sở mình thể hiện ở:
- Triết lý giáo dục của nhà trường: Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi.
- Phần điều chỉnh/bổ sung/nâng cao về mục tiêu/nội dung/phương pháp/hình thức/cách đánh giá trẻ…của cơ sở GDMN.
Lưu ý: Các nội dung điều chỉnh, bổ sung riêng của cơ sở GDMN trong chương trình cần bôi đậm, in nghiêng để thuận tiện trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch năm, tháng/chủ đề... và thực hiện.
* Gợi ý
Triết lý cần phải đơn giản dễ hiểu.
Không có một khuôn mẫu chung, nhưng có thể bao gồm các phần sau đây:
- Một mô tả ngắn gọn của cơ sở giáo dục về hình thức giáo dục và dịch vụ chăm sóc mà cơ sở cung cấp, có thể là Sứ mệnh của cơ sở giáo dục.
- Một phác thảo về niềm tin và giá trị liên kết với các bên liên quan, các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, và chương trình khung.
- Một tuyên bố về cam kết của cơ sở giáo dục, ví dụ, bảo đảm tính công bằng và đa dạng, chất lượng, tôn trọng...
- Nêu mục tiêu trong tương lai, ví dụ, tuyên bố về tầm nhìn (điều này thể hiện một cam kết cải tiến liên tục).
VD. Về triết lý giáo dục Trường Mầm non 20/10
1. Tầm nhìn
Khẳng định chất lượng hàng đầu trong CSGD trẻ mầm non Thủ đô Hà Nội, đạt mục tiêu phát triển mô hình trường mầm non công lập chất lượng cao, tiến tới chuẩn Quốc tế. Liên tục đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, trải nghiệm. Hội nhập với xu hướng giáo dục hiện đại đồng thời vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Sứ mệnh
- Tạo nên một thế hệ trẻ mầm non luôn có niềm đam mê trong học tập, cởi mở, tự tin, đủ năng lực khám phá tri thức; được nuôi dưỡng nghị lực và lòng nhân ái.
- Xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, phong phú, sáng tạo với một chương trình giảng dạy có ý nghĩa khai thác tối đa năng lực, kinh nghiệm của trẻ. Tạo cơ hội và thúc đẩy trẻ học hỏi và phát triển theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”.
3. Giá trị cốt lõi
- Xây dựng Trường Mầm non 20-10 trở thành “Nơi trẻ em luôn hạnh phúc, có cơ hội sáng tạo và thể hiện tài năng”. Vững vàng bước đi trên con đường hiện tại và tương lai, dựa trên nền tảng là những con người Tự lập - Thông minh - sáng tạo - giàu lòng nhân ái.
- Tất cả trẻ đều được tiếp cận giáo dục cá nhân và theo năng lực.
Bước 3. Triển khai thực hiện chương trình giáo dục nhà trường
- BGH chỉ đạo các tổ CM, Giáo viên tiến hành rà soát xác định mức độ yêu cầu đối với từng mục tiêu cần điều chỉnh/bổ sung/nâng cao phù hợp với từng độ tuổi. Xây dựng Kế hoạch giáo dục đảm bảo tính đồng tâm phát triển.
- Định hướng tổ CM bàn bạc, thống nhất xác định mục tiêu, dự kiến nội dung, ngân hàng hoạt động cho từng độ tuổi. Giao quyền cho giáo viên xây dựng Kế hoạch giáo dục lớp, trình BGH phê duyệt.
- Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ; chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu việc triển khai Chương trình giáo dục.
- Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục nhà trường/lớp, giám sát quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng.
- Giao quyền chủ động cho Tổ chuyên môn và giáo viên, thường xuyên đánh giá, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nội dung, hoạt động, phương pháp, hình thức phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ, điều kiện thực hiện. Báo cáo, bàn bạc, tham mưu, đề xuất với BGH, tổ CM những phương án điều chỉnh/bổ sung Chương trình. Hỗ trợ giáo viên các điều kiện tổ chức để thực hiện chương trình hiệu quả.
- Hàng tháng hoặc sau các chủ đề/dự án tổ CM tổ chức trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những đề xuất để điều chỉnh Chương trình giáo dục cho phù hợp.
Bước 4. Đánh giá hiệu quả Chương trình (điều chỉnh hàng năm phù hợp với điều kiện thực tiễn)
- Đánh giá tính hiệu quả Chương trình được thực hiện thường xuyên và cuối mỗi năm học:
+ Đánh giá thường xuyên ngay trong quá trình triển khai Chương trình nhằm điều chỉnh, cập nhật những nội dung/hoạt động/phương pháp/hình thức tổ chức, đáp ứng nhu cầu, năng lực của trẻ/cá nhân trẻ; có ý nghĩa với cuộc sống của trẻ; những sự kiện mang tính thời sự, xu hướng mà trẻ quan tâm nhằm tối ưu hóa cơ hội học tập và đáp ứng mục tiêu giáo dục đối với từng độ tuổi.
+ Đánh giá cuối năm học: Căn cứ kết quả đánh giá trẻ cuối độ tuổi so với mục tiêu/kết quả mong đợi để đánh giá mức độ phù hợp của các mục tiêu, đặc biệt đối với những mục tiêu đã điều chỉnh/bổ sung/nâng cao; Đánh giá tính phù hợp của các nội dung, hoạt động giáo dục: Có thực sự đáp ứng mục tiêu giáo dục ; Có phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ; Có mang tính khả thi trong điều kiện thực hiện như: Điều kiện CSVC; kinh nghiệm, nguồn tư liệu hỗ trợ để giáo viên triển khai hiệu quả …để có phương án điều chỉnh Chương trình giáo dục nhà trường/lớp của năm học sau.
VI. Hướng dẫn thực hành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình GD trong cơ sở GDMN
1. Phát triển Chương trình giáo dục của 01 cơ sở GDMN cụ thể:
1.1. Chương trình giáo dục Trường Mầm non ..........;
- Ngân hàng nội dung, hoạt động các khối;
1.2. Kế hoạch giáo dục năm học của lớp (01 lớp nhà trẻ, 01 lớp mẫu giáo Lớn A1):
+ Dự kiến thời gian, nội dung, hoạt động (cụ thể từ ngân hàng khối);
+ Dự kiến các chủ đề trong năm;
+ Dự kiến mục tiêu thực hiện (chia vào các tháng/chủ đề cụ thể);
+ Dự kiến thời khóa biểu;
1.3. Kế hoạch giáo dục tháng/chủ đề (có các mục tiêu thực hiện và đánh giá)
- Kế hoạch hoạt động ngày (chỉ soạn hoạt động học)
2. Phụ lục gợi ý (đính kèm tài liệu)
2.1. Chương trình và các kế hoạch GD Trường MN Hoa Hồng;
2.2. Chương trình và các kế hoạch GD Trường MN Dịch Vọng;
2.3. Chương trình và các kế hoạch GD Trường MN CLC 20/10.