BS Đinh Thế Tiến - khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu COVID-19 của viện này - cho biết, những ngày sau kỳ nghỉ Tết, lượng F0 khỏi bệnh trong đó có trẻ em đến khám khá nhiều.
Hầu hết các bé được bố mẹ cho đi khám cùng dù không có dấu hiệu triệu chứng. Với trẻ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt, bác sĩ không chỉ định lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ. Bố mẹ cần theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.
Các bác sĩ cho hay thực tế tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chuyển biến nặng và tử vong rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ dưới 17 tuổi mắc COVID-19 tử vong chỉ chiếm 0,34% (khoảng 130 trẻ) tổng số F0 tử vong ở nước ta. Ngoài ra, tỷ lệ phát hiện bệnh nặng sau khi mắc các triệu chứng hậu COVID-19 của nhóm này dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng sơ bộ cũng chiếm phần rất nhỏ.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay qua theo dõi, trẻ em mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).
Tuy nhiên, thực tế qua quá trình khám hậu COVID-19 ở trẻ, các bác sĩ phát hiện tình trạng trẻ khi là F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh, một số lại gặp các biểu hiện như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp… Một số lại bị ảnh hưởng hoạt động thể lực, thể chất suy giảm, ho kéo dài, hồi hộp… Cá biệt, đã có những ca khi chuyển nặng phải thở máy, lọc máu, điều trị lâu dài, phải dùng kháng sinh liều cao, chi phí rất tốn kém…
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống chiều 10/2, ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai – cho biết, vài tháng nay, viện tiếp nhận khám và điều trị hậu COVID-19 cho khoảng 50 ca. Đại đa số các bé đều có biểu hiện nhẹ tuy nhiên có 4 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
Đáng nói, khi đang là F0 dương tính, các bé đều ở thể nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, bé vào viện với nhiều triệu chứng hậu COVID-19, xét nghiệm cho thấy mắc bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Khi chụp chiếu, xét nghiệm, phát hiện bé đã tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim...
Điển hình như bé T.N.K (6 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). 3 ngày trước khi vào viện bé sốt nhẹ, tiêu lỏng 2 lần/ngày. Nhập viện khi sốt cao, tiêu lỏng tới 5 lần/ngày, một ngày sau, bé mệt nhiều hơn, chi lạnh, môi tái, mạch nhanh, huyết áp chỉ còn 80/50, SpO2 90%.
Bé phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc và được chẩn đoán bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 ở trẻ em (MIS-C), sốc tim. Cùng ngày, bé phải đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền vận mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị.
Một trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 ở trẻ em (MIS-C) điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh BSCC
Kết quả xét nghiệm COVID-19 của bé khi vào viện là âm tính nhưng 2 ngày sau, kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể IgG của cậu bé 6 tuổi rất cao kèm tiền sử gia đình của bé dương tính với COVID-19 khoảng 2 tuần trước đó.
Qua theo dõi, trẻ em mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19)".
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) từng tiếp nhận bé trai 5 tuổi (ở huyện Củ Chi) nhập viện do khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng kèm trụy tim mạch. Bé được chẩn đoán mắc MIS-C, gây ra sốc tim và viêm cơ tim. Do suy hô hấp nặng nên bé phải đặt nội khí quản thở máy.
Sau hơn 1 ngày điều trị, tình trạng tim mạch của bé cải thiện dần, bớt rối loạn nhịp… Kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 dương tính, xác nhận bé đã nhiễm COVID-19 trước đó. Qua 7 ngày hồi sức tích cực, bé được cai máy thở, giảm dần và ngưng thuốc vận mạch, tiếp tục được theo dõi.
Điều trị mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém
ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, với những trường hợp mắc MIS-C này tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trung bình tổng thời gian điều trị tại viện mất khoảng 2 tuần. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, kinh phí điều trị cho các bé rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng do phải lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc đắt tiền.
"Có những trường hợp gia đình khó khăn, không có khả năng chi trả, Bệnh viện đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ viện phí cho bé"- BS Nghĩa nói với PV Sức khỏe & Đời sống.
Nhiều người chủ quan cho rằng trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ, nhanh khỏi và không lưu ý đến vấn đề hậu COVID-19. Điều này rất nguy hiểm " - ThS. BS Nguyễn Trọng Nghĩa -
Chia sẻ khuyến cáo với người dân về thực tế trẻ có thể bất ngờ trở nặng sau khi khỏi COVID-19, BS Nghĩa phân tích: Trẻ mắc hội chứng MIS-C nếu không chẩn đoán chính xác, kịp thời điều trị đúng hướng thì nguy cơ tử vong rất cao, chi phí lớn. Nếu trong gia đình có trẻ mắc COVID-19, gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính ít nhất 2-3 tuần, gia đình cần theo dõi sát, đi khám, thậm chí phải theo dõi tới 2-3 tháng sau. Nếu có dấu hiệu hậu COVID-19 cần phải đi khám ngay.